Theo các cụ cao tuổi trong làng, nghề truyền thống mây tre đan An Thái được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 19. Không ai còn nhớ nghề được bắt nguồn như thế nào. Nhưng theo hình thức "cha truyền con nối" trải qua hàng trăm năm nghề truyền thống này vẫn được các thế hệ người dân trong làng duy trì và phát triển.
Đến thăm gia đình bà Trần Thị Minh, là gia đình nhiều thế hệ gắn bó với nghề truyền thống, bà Minh chia sẻ: Gia đình tôi đã nhiều đời làm nghề đan lát. Ngày còn nhỏ, ngồi cạnh xem bố mẹ, ông bà làm nghề rồi những kỹ thuật đan lát ngấm dần, chúng tôi học được nghề một cách hết sức tự nhiên và gắn bó với nghề kể từ đó đến nay cũng gần trọn cuộc đời.
Tuy được coi là nghề phụ sau sản xuất nông nghiệp, nhưng nghề mây tre đan lại đem lại thu nhập và việc làm ổn định cho nhiều gia đình trong thôn. Con cái chúng tôi, ăn học nên người một phần nhờ nghề truyền thống này.
Được biết hiện nay ở xã Gia Trung, nghề làm mây tre đan không chỉ gói gọn ở thôn An Thái, mà đã phát triển rộng ra một số thôn, xóm trong xã với gần 280 hộ, khoảng 800 lao động thường xuyên tham gia làm nghề, cho thu nhập bình quân từ 30.000-40.000 đồng/người/ngày. Với những người có tay nghề vững và thâm niên trong nghề có thể thu nhập tới 80.000 đồng/người/ngày.
Nghề mây tre đan không kén người làm, kỹ thuật không khó nên phù hợp với nhiều lứa tuổi. Có những gia đình, từ ông bà, bố mẹ cho tới các con đều có thể tham gia các công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, thuận lợi cho những người làm nghề là sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở khu vực nông thôn trong toàn tỉnh vì nhu cầu sử dụng các mặt hàng mây tre đan trong các gia đình nông thôn cao.
Trung bình hàng năm, giá trị tiểu thủ công nghiệp ở làng nghề đạt gần 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển nghề truyền thống ở địa phương, xã đã quan tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động để họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm, tạo ra những sản phẩm mới, thích ứng với nhu cầu của thị trường.
Cùng với nghề truyền thống mây tre đan, những năm qua Gia Trung còn phát triển thêm một số nghề tiểu thủ công nghiệp khác như: chẻ tăm hương, mộc, nề… góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần thực hiện các tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương đạt kết quả cao hơn.
Lý Nhân