Theo chia sẻ của cán bộ xã, khi mới xây dựng công trình nước sạch và ngay cả đến tận bây giờ không phải người dân nào cũng có hiểu biết đầy đủ về lợi ích của việc làm này, dẫn tới lộ trình đưa nước sạch về làng gặp không ít khó khăn. Thói quen của người dân vẫn là tận dụng nguồn nước sẵn có, hạn chế thấp nhất chi phí phải bỏ ra. Điều này được cho là phù hợp với cuộc sống ở nông thôn khi thu nhập của người dân chưa cao, song qua thực tế cho thấy với chất lượng nguồn nước chưa được đảm bảo (nước từ sông ngòi, nước ao…) sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống của chính họ. Nhiều người cũng nghi ngại do nguồn nước chưa đảm bảo vệ sinh.
Tuy nhiên, để bỏ ra vài trăm nghìn lắp đặt đường ống dẫn nước sạch về nhà rồi hàng tháng phải trả thêm chi phí sử dụng nước thì cũng còn phải cân nhắc rất nhiều. Nắm bắt được thực tế đó, chính quyền xã giao trách nhiệm cho từng hội, đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động hội viên hiểu lợi ích lâu dài của việc dùng nước sạch thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp, qua đài truyền thanh, đồng thời có biện pháp hỗ trợ đối với những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cũng gương mẫu đi đầu trong việc thuyết phục người thân, gia đình bỏ thói quen dùng nước không đảm bảo vệ sinh chuyển sang dùng nước sạch.
Gia đình ông Hà Xuân Dũng (thôn Chấn Hưng) là một trong những hộ dân đi đầu trong việc sử dụng nước sạch kể từ khi nhà máy cung cấp nước sạch đi vào hoạt động. Mọi sinh hoạt trong gia đình từ ăn uống cho đến tắm giặt đều bằng nước máy. Về chi phí, cùng với việc tiết kiệm chi tiêu thì việc dùng nước sạch không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế gia đình. Thực tế, những gia đình như gia đình ông Dũng đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bà con trong thôn xóm trong việc dùng nước sạch.
Với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng, nhà máy cung cấp nước sạch xã Gia Trung được triển khai xây dựng từ năm 2009 và chính thức đi vào hoạt động năm 2010 với công suất 800m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho gần 1.300 hộ dân. Quy trình xử lý nguồn nước được tiến hành qua 3 công đoạn: Bơm từ giếng khoan lên tháp làm thoáng qua hệ thống hạt lọc cát thạch anh vào bể chứa, sau đó khử ZavenClo và bơm đến hộ gia đình sử dụng. Một trong những biện pháp để duy trì hiệu quả nhà máy cung cấp nước sạch được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình đặt ra là giao địa phương trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành, đảm bảo chất lượng nguồn nước đến người sử dụng.
So với các địa phương khác trên địa bàn huyện Gia Viễn thì xã Gia Trung là một trong những địa phương dẫn đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung. Đồng chí Đinh Công Hoan, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện toàn xã có 2.300 hộ, trong đó tỷ lệ số dân được dùng nước hợp vệ sinh và nước sạch chiếm 80%, trên 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Năm 2012, Gia Trung phấn đấu có 90% số dân được dùng nước hợp vệ sinh và nước sạch, 80% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới xã sẽ tổ chức họp dân, thảo luận thống nhất nội dung quy ước quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, thu phí và bảo vệ công trình nước sạch; tiếp tục hướng dẫn, vận động, tuyên truyền các gia đình sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm.
Duy Hiền