Với dân số là 2.217 hộ/8.260 khẩu, Gia Trung là xã có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao 18,5%. Khó khăn của địa phương trong sản xuất nông nghiệp xuất phát từ địa hình đất đai nên hay mất mùa, năng suất lúa đạt thấp. Ngoài cây lúa, người dân Gia Trung còn có thêm nghề truyền thống ở thôn An Thái là mây tre đan.
Tuy nhiên, nghề này chỉ mới "gói gọn" trong một thôn, sản phẩm chưa thực sự đa dạng và phong phú, giá trị đạt được hàng năm chưa cao. Thực hiện công tác giảm nghèo hàng năm, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010", Đảng ủy xã đã định hướng giải pháp giúp người dân giảm nghèo thông qua nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, quan tâm đẩy mạnh nghề truyền thống để mọi gia đình trong xã đều có thể làm được.
Giải pháp mở rộng nghề truyền thống của Đảng ủy xã được các chi bộ xóm đón nhận và triển khai sâu rộng đến người dân thông qua công tác tuyên truyền, vận động của đảng viên, các tổ chức đoàn thể. Đối với chi bộ thôn An Thái là thôn có nghề truyền thống, Đảng ủy xã giao nhiệm vụ cho chi bộ phải làm tốt công tác tuyên truyền để nghề được duy trì và phát triển.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ hợp có năng lực đứng ra tìm kiếm hợp đồng, tạo việc làm cho người dân. Làng nghề An Thái đã nhanh nhạy trong việc tìm kiếm thị trường, khách hàng và ngay từ giữa tháng 7 đã tiếp nhận đơn hàng với sản phẩm là những chiếc ủ tích, ấm, cơi đựng trầu. Theo đơn đặt hàng, sản phẩm không chỉ tạo việc làm cho hơn 300 lao động làng nghề mà còn huy động thêm 500- 600 lao động thuộc 9 thôn, xóm trong xã mới hoàn thành. Đối với loại hình sản phẩm này, người làm nghề vừa phải lo nguyên liệu, vừa lo kỹ thuật đan với giá là 50.000 đồng/chiếc.
Chúng tôi gặp ông trưởng thôn An Thái Vũ Tiến Nhật, được biết: Để thực hiện hợp đồng đã ký kết với công ty Hải Dương, thôn đã tổ chức lớp dạy nghề với sự tài trợ của công ty. Ban đầu có 45 học viên học nghề. Sau khi đã vững tay nghề, những lao động này sẽ là các nhân tố tích cực truyền đạt kỹ thuật làm mặt hàng mới cho các lao động khác.
Đối với làng nghề An Thái, từ khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống, nghề ở đây đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn trước với việc huy động được thêm nhiều lao động ở các thôn trong xã như: Đức Hậu, Hoàng Long, Chấn Hưng, Chi Phong tham gia làm nghề. Thu nhập từ nghề đan thúng, mẹt, ấm, tích... cũng khá mà quan trọng là nghề này có thể làm bất cứ lúc nào, nam giới cũng như phụ nữ hay trẻ em đều có thể làm được.
Như gia đình anh Vũ Văn Phán là hội viên hội nông dân có 3 lao động chính làm nghề. Buổi trưa vừa đi làm đồng về, tranh thủ thời gian đợi vợ nấu cơm, anh Phán ngồi cặm cụi chẻ những thanh tre, nứa để đan thúng.
Anh tâm sự: Nếu không biết tranh thủ và tận dụng mọi thời gian có thể trong ngày thì không làm được nghề. Chính vì tận dụng mọi lúc, mọi nơi nên gia đình anh với 3 người làm, mỗi ngày không cấy hái cũng được 5 đôi thúng gầu, trị giá 120.000 đồng, trừ chi phí về nguyên liệu khoảng 20.000 đồng, gia đình anh có thu nhập 100.000 đồng.
Hoạt động của làng nghề truyền thống An Thái mỗi năm đạt giá trị trên 2 tỷ đồng. Kết quả này không chỉ giúp mỗi hộ gia đình nâng cao thu nhập mà còn góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn 16%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo toàn xã. Người dân trong thôn đang tích cực làm nghề để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%.
Lý Nhân