Theo thông tin từ Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp quý I toàn tỉnh đạt trên 14.451,1 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp trong quý có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước là: Xe ô tô khách lắp ráp đạt 15,1 nghìn chiếc, tăng 60,1%; quần áo các loại đạt 21,8 triệu cái, tăng 29,1%; modul camera đạt 28,5 triệu sản phẩm, tăng 30,3%; tai nghe điện thoại di động đạt 4,3 triệu sản phẩm, tăng 18,2%; phân đạm Urê đạt 110,5 nghìn tấn, tăng 38,6%...
Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút là xi măng và clanke đạt gần 2,4 triệu tấn, giảm 14,2%; đá khai thác đạt 720 nghìn m3, giảm 30,2%; phân hỗn hợp NPK đạt 19,9 nghìn tấn, giảm 2,5%; phân lân nung chảy đạt 37,3 nghìn tấn, giảm 37,3%...
Theo đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương, sự tăng trưởng này đã phản ánh hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công nghiệp của ngành chuyên môn cũng như định hướng của tỉnh. Một trong những chính sách được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao đó là Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh; Chương trình công nghiệp hỗ trợ tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; các cơ chế chính sách của tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực thu hút, xúc tiến đầu tư; khuyến khích đầu tư ngoài Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Năm qua, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh một số CCN cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào CCN.
Ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã trình UBND tỉnh xem xét, ban hành Kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đến nay đã hoàn thành báo cáo thẩm định hồ sơ thành lập CCN Gia Lập, huyện Gia Viễn trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Mai Sơn và CCN Khánh Nhạc. Làm việc và hướng dẫn 7 nhà đầu tư đi khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các CCN ở địa phương.
Đến nay, đã thu hút 170 dự án vào các CCN trong tỉnh với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 11.056,5 tỷ đồng, số lượng lao động đăng ký trong các dự án là 44.600 lao động. Doanh thu của các dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN năm 2018 đạt 5.360 tỷ đồng. Nộp ngân sách năm 2018 ước đạt 85 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn không ít những khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực cao từ phía chính quyền cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì thế, Ninh Bình xác định tăng cường hơn nữa hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư, trong đó chú trọng các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử theo định hướng của tỉnh tại Nghị quyết số 07. Khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các thành phần kinh tế; trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng CCN Cầu Yên để thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghệ điện tử; CCN Gia Phú để thu hút các dự án công nghiệp công nghệ sạch và các CCN đã được giao chủ đầu tư.
Nguyễn Thơm