Chị Hà Thị Mai ở thôn 4 chia sẻ: Người dân chúng tôi rất vui và tự hào về quê hương. Mỗi người, mỗi nhà động viên nhau thi đua góp công, góp sức chỉnh trang, vệ sinh đường làng, ngõ xóm cho thật sạch đẹp để xây dựng nông thôn mới thành công, xứng đáng với miền quê anh hùng. Trước đây, những con đường liên thôn chủ yếu là đường đất, đá cấp phối đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, học sinh đến trường trên những con đường trơn, trượt mà chạnh lòng. Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức mở rộng và bê tông hóa các con đường hiện có để nhân dân đi lại được thuận tiện. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Trấn: Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Gia Trấn đã tiếp nhận 683,2 tấn xi măng và làm mới được 57 tuyến đường, nâng cấp 39 tuyến đường với tổng chiều dài 9,29km đường giao thông được hoàn thành. Hiện những cánh đồng đã được quy hoạch, chỉnh trang, các kênh mương chính đã được xây kè, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được bảo đảm theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Những khu đồng chia 5, xẻ 7, nhỏ lẻ, manh mún được dồn đổi thành những ô thửa lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy sự chuyển dịch sản xuất nông nghiệp.
Toàn xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa và bình quân còn 2 thửa/hộ, giảm 7,38 thửa/hộ so với trước khi thực hiện. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chuyển dịch theo hướng hàng hóa: Có 60ha nuôi trồng thủy sản theo công thức lúa-cá và năng suất đạt 3 tấn/ha/năm; 2 trang trại và 20 gia trại cho thu nhập bình quân trên 90 triệu đồng/năm. Cơ giới hóa nông nghiệp được đẩy mạnh, hiện cả xã có 19 máy làm đất, 15 máy gặt đập, tăng 4 máy so với năm 2010. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, toàn xã đã huy động được 309.218 triệu đồng, phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 28.160 triệu đồng, vốn tín dụng 38.481 triệu đồng, vốn doanh nghiệp 3.100 triệu đồng, vốn do nhân dân đóng góp 239.477 triệu đồng. Công trình nhà máy nước sạch (trị giá 11 tỷ đồng) được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giúp người dân trong xã không còn lo bị nhiễm độc asen.
Trên địa bàn xã có khu công nghiệp, có chợ đầu mối, tạo nguồn thu nhập cho nhân dân, giúp tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã đạt hơn 10%; có 16 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 595 lao động địa phương với thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng; có 285 hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề phi nông nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho 924 lao động... Tổng giá trị sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp, hàng năm ước đạt 161 tỷ đồng. Thu nhập bình quân toàn xã đạt 33,5 triệu đồng/người/năm, tăng 24,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn xã giảm; đến hết năm 2015 số hộ nghèo trên địa bàn xã còn 2,96%, giảm 9,04% so với năm 2010. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, dưỡng sinh, võ thuật... được duy trì và hoạt động hiệu quả; hơn 81% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa", 5/6 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa... Đến hết năm 2016, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, tăng 13 tiêu chí so với năm bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới và đã được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2016.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm cho Gia Trấn có sự thay đổi khá toàn diện, nhận thức của người dân được nâng lên, làng quê có sự 'thay da, đổi thịt", đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững... là tiền đề để Gia Trấn vươn lên trở thành xã giàu mạnh trong thời gian tới.
Trường Sinh