Tổng diện tích trồng lúa của xã là hơn 265 ha thì có gần 30% diện tích lúa ở ngoài đê, năng suất lúa phụ thuộc hoàn toàn vào… thời tiết. Diện tích đất nông nghiệp thuộc diện "bờ xôi ruộng mật" thì rất ít, tính trung bình chỉ có 9 thước ruộng/đầu người. Trong khi đó, việc đưa những nghề phụ vào để giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều lao động phải ly hương để tìm việc.
Trước thực tế đó, để công tác xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả, xã Gia Tiến đã đề ra nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và quan tâm chỉ đạo các đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân. Ban chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của xã được thành lập, do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban.
Công tác tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình Quốc gia xóa đói, giảm nghèo, những mục tiêu, giải pháp của địa phương; những gương điển hình thoát nghèo vươn lên làm giàu trên quê hương, các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao… giúp người dân có thể vận dụng làm theo.
Cùng với đó, xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện để mở các lớp tập huấn cho các đối tượng là hộ nghèo tại các thôn, xóm. Từ đó giúp bà con nâng cao hiểu biết về KHKT, ứng dụng trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Sự linh hoạt, đa dạng trong hỗ trợ giảm nghèo của xã đạt kết quả khả quan. Cơ cấu mùa vụ, cây trồng của Gia Tiến dần được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào canh tác như: ngô, khoai tây, bí xanh, dưa bở… Diện tích trồng lúa cao sản được mở rộng lên đến trên 75% tổng diện tích trồng lúa của xã. Sản lượng lương thực hàng năm của Gia Tiến không ngừng tăng, năm 2011, bình quân đầu người đạt 555 kg/năm, tăng 18% so với năm 2004.
Trong chăn nuôi, thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông như trước đây, Gia Tiến đã vận động, hướng dẫn bà con chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Đến năm 2011, tổng số đàn trâu, bò của xã đạt gần 500 con, lợn thịt gần 2.000 con, đàn gia cầm, thủy cầm đạt 30.000 con… Bên cạnh một số con nuôi truyền thống, thì nhiều người dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư nuôi các con đặc sản như: nhím, lợn rừng, dê, thỏ… cho thu nhập cao.
Nhằm tạo điều kiện cho bà con phát triển, mở rộng trang trại, từ năm 2004 đến nay, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho bà con vay vốn với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Qua khảo sát, bà con sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Từ đây, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Tất Năng ở thôn Hán Nam là gia đình đi đầu trong việc nuôi nhím của xã Gia Tiến.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã Gia Tiến đã giảm còn 11,4% năm 2011 (theo tiêu chí mới).
Thu Hằng