Ngoài 30 tuổi, gánh nặng mưu sinh của cả gia đình được đặt lên vai chị Nguyễn Thị Ngoan bởi chồng chị sức khỏe yếu. Lo toan mọi khoản chi tiêu cho cả gia đình ấy, chị Ngoan chỉ biết trông vào gần 8 sào ruộng, những lúc nông nhàn, chị đi làm thuê. "Cũng chỉ làm thuê trong xã thôi vì nếu đi xa thì không có ai thay tôi chăm sóc cho con cái. Những ngày không có ai thuê mướn gì thì tôi đành ở nhà thêu ren. Công việc không đều nên nguồn thu nhập cũng bấp bênh, cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi cả hai đứa con đều đến tuổi đi học"- chị Ngoan nói.
Nhưng đó đã là câu chuyện của vài năm trước đây, còn bây giờ, chị Ngoan đã là công nhân của Công ty May mặc Vương Anh- một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã Gia Thủy với mức lương đều đặn trên 5 triệu đồng/tháng. Không phải đi xa nhà, nên ngoài giờ làm ở xưởng may, chị Ngoan vẫn đảm đương việc cày cấy 8 sào ruộng để đảm bảo lương thực cho gia đình và còn dành để chăn nuôi. ở xưởng may của chị Ngoan, không ai phải bỏ ruộng để làm công nhân cả.
Những lúc thời vụ, công ty tạo điều kiện để công nhân nghỉ luân phiên thu hoạch lúa. Hơn nữa, có lương ổn định, người lao động sẵn sàng bỏ tiền để thuê thêm người làm phụ nên vấn đề sản xuất nông nghiệp được hoàn thành nhanh chóng.
Công ty may Vương Anh do anh Nguyễn Văn Hậu, một người dân của xã Gia Thủy đứng ra thành lập từ đầu năm 2017. Anh Hậu cho biết Công ty xuất thân từ một tổ hợp may nhỏ với chừng 3-4 thợ may nhận hàng may gia công. Dần dần, đơn hàng nhiều hơn nên anh đã đầu tư mở rộng xưởng, mua thêm máy móc và thu hút lao động vào làm việc và từ một tổ hợp may nhỏ, Vương Anh đã phát triển thành một công ty may tư nhân. Lao động chưa biết nghề trước khi vào làm đều được doanh nghiệp trực tiếp dạy nghề.
Với lợi thế máy móc, nhà xưởng và hình thức dạy nghề theo kểu cầm tay chỉ việc nên các lao động đều đạt yêu cầu và được nhận vào làm tại công ty. Đến nay, Công ty đang thu hút 150 lao động làm việc, trong đó chủ yếu là người lao động địa phương với mức lương từ 3- 8 triệu đồng/tháng.
Ông Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cho biết, hiện nay toàn xã có 6.178 nhân khẩu, trong đó, có 3.223 người trong độ tuổi lao động. Số lao động làm nông nghiệp là 2947 người, chiếm tỷ lệ trên 90%. Như vậy, đời sống của bà con phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và vấn đề tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn thực sự là một bài toán khó.
Trước đây, xã cũng đưa vào dạy cho lao động nghề thêu ren, đến nay nghề vẫn tồn tại, song chỉ thu hút được một bộ phận lao động cao tuổi hoặc trẻ em tham gia làm với gia đình, còn lực lượng lao động chính thì vẫn không mặn mà với lý do mức thu nhập cho một ngày công lao động còn thấp. Để tìm kiếm việc làm, nhiều lao động phải đi làm ăn xa. Đối với lao động nữ, giải pháp được lựa chọn là đi làm ở các KCN vùng lân cận, tuy nhiên do điều kiện đi lại xa xôi nên nhiều lao động bỏ dở.
Vì vậy, với việc thành lập các công ty nhỏ, các tổ hợp may tại địa phương được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Mặt khác, khi đặt xưởng may tại địa phương, doanh nghiệp cũng tận dụng được nguồn lao động trẻ, dồi dào. Hiện nay, trên địa bàn xã Gia Thủy có 3 công ty và 2 tổ hợp may đang hoạt động, tạo việc làm cho gần 1000 lao động địa phương.
Tuy nhiên, để các tổ hợp may ngày càng phát triển, mở rộng sản xuất nhằm tạo việc làm nhiều hơn nữa cho lao động nông thôn thì cũng còn nhiều phải làm. Mặc dù hoạt động hiệu quả, song khó khăn lớn nhất của Tổ hợp may tự quản là hoạt động còn chưa gắn kết. Mỗi tổ lập nên là do một người đứng đầu linh hoạt tìm đơn hàng, rồi thuê nhân công nên chưa thực sự bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty Vương Anh thì đối với lao động tại xưởng may của ông, đa số là lứa tuổi trên 30, thậm chí trên 35 tuổi. Đây là những lao động khó xin vào làm tại các công ty lớn do không còn nằm trong khung độ tuổi "vàng" theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp… Do xuất thân từ nông dân nên ý thức, tác phong trong sản xuất công nghiệp của người lao động còn chưa chuyên nghiệp, bên cạnh đó khả năng tiếp cận những kỹ thuật mới cũng còn hạn chế. Đây là những khó khăn, ảnh hưởng tới việc mở rộng sản xuất của các tổ hợp may.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Hậu, ông Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy khẳng định, thời gian tới, trong việc lựa chọn nghề để đào tạo cho lao động nông thôn, bên cạnh những nghề truyền thống, xã sẽ ưu tiên lựa chọn nghề may công nghiệp làm hướng đi chính trong việc đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn bởi lẽ nghề này rất phù hợp với trình độ lao động và thị trường việc làm lại khá ổn định. Việc đào tạo nghề cũng là một cách để thu hút các doanh nghiệp may mặc về đầu tư hạ tầng ngay tại xã, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Bài, ảnh: Đào Hằng