Tại Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Tam Điệp), hầu như các lớp đều có học sinh nghỉ học do ốm cảm cúm, nhiều lớp vắng từ 6-8 em, trống khá nhiều bàn học. Cô giáo Phạm Thị Hạnh, Chủ nhiệm lớp 5B, Trường Tiểu học Trần Phú cho biết, từ giữa tháng 12/2019, bắt đầu có học sinh nghỉ học do ốm, trong đó chủ yếu là bệnh cúm mùa và lây lan sang nhau, sau đó số lượng học sinh phải nghỉ học tăng dần, có hôm nghỉ đến 6 học sinh.
Mà thường các em mắc bệnh cúm phải nghỉ học ít nhất 3-4 ngày, có em phải nghỉ hàng tuần mới ổn định sức khỏe để đến lớp. Trong khi, thời điểm đó đang là cuối học kỳ I, học sinh đang tập trung ôn tập và thi học kỳ, việc học sinh phải nghỉ học đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của các em, gây khó khăn cho công tác giảng dạy trên lớp và lo lắng cho các bậc phụ huynh. Để bệnh không lây lan rộng, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nắm tình hình, phối hợp với phụ huynh cho các em học sinh mắc bệnh nghỉ học và yêu cầu giáo viên có kế hoạch, bố trí thời gian bồi dưỡng phụ trợ khi học sinh điều trị khỏi bệnh, đảm bảo cho các em có đủ kiến thức để thi học kỳ tốt nhất.
Theo ghi nhận tại một số bệnh viện, số trẻ em mắc cúm mùa phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Tại Trung tâm y tế thành phố Tam Điệp, thời gian này luôn có từ 50-70 bệnh nhân đến khám các bệnh cúm, trong đó trên 70% là trẻ em; bình quân có từ 35-40 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó hơn 2/3 là trẻ em từ 1-5 tuổi, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ tháng trước và đầu tháng 12/2019.
Theo một bác sĩ, thời điểm này đang là cao điểm của bệnh cúm mùa, độ ẩm trong không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi để vi-rút cúm lây lan nhanh, nhất là trong không gian kín, đông người. Đa số trẻ em có "bệnh nền" như rối loạn chuyển hóa, viêm phổi mãn tính kéo dài... nên khi mắc thêm bệnh cúm, bệnh nặng lên rất nhanh, với các biểu hiện như: sốt cao, ho, đau cơ, khó thở, kém ăn…, cần được nhập viện theo dõi và điều trị. Bệnh cúm mùa là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân, nên số trẻ em mắc bệnh có thể còn gia tăng trong những ngày tới. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, hiện vẫn chưa phải là thời điểm lạnh nhất trong năm ở miền Bắc, nên những ngày tới, người dân cần chú ý đề phòng các bệnh về hô hấp, bệnh tiêu chảy do virus, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 36 tháng tuổi và người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính, bởi đây là nhóm tuổi sức đề kháng yếu hơn...
Bác sĩ Trần Văn Thiện, Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho... Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua nước bọt, dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc... Bệnh cúm mùa thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già, do sức đề kháng kém, đặc biệt là những người có bệnh mãn tính về hô hấp, tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trần Văn Thiện cũng lưu ý, thông thường, khi nhiễm vi-rút cúm, trẻ bị sốt cao và nhanh, có thể tới 39-40oC, việc điều trị theo triệu chứng, như dùng thuốc hạ sốt (chỉ dùng thuốc paracetamol), vệ sinh sạch đường hô hấp để tránh bội nhiễm, bù nước và bổ sung vitamin. Khi bị sốt do vi-rút, thường sau 2 ngày uống thuốc hạ sốt và bù nước, trẻ giảm triệu chứng rõ rệt và đỡ dần. Nhưng khi trẻ sốt cao, da xanh tái, mệt mỏi, dùng thuốc hạ sốt có thể đỡ sốt nhưng trẻ vẫn nằm mệt mỏi, không chịu chơi, có thể trẻ bị nhiễm vi khuẩn, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế làm thêm một số xét nghiệm để bác sĩ có chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Còn trong các trường hợp viêm đường hô hấp do vi-rút, đặc biệt là vi-rút cúm, nếu cha mẹ tự ý cho con uống thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng mà còn dễ gây tình trạng kháng thuốc, việc điều trị thêm khó khăn và có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 12/2019, toàn tỉnh ghi nhận gần 1 nghìn trường hợp mắc cúm, trong đó những ngày cuối tháng 12, tỷ lệ bệnh nhân tăng lên đáng kể. Các bệnh truyền nhiễm ghi nhận số trường hợp mắc giảm so với cùng kỳ năm 2018, với 24/28 bệnh. Có 4/28 bệnh có trường hợp mắc tăng là: Sốt xuất huyết, viêm gan vi rút, ho gà, lỵ amip. Đặc biệt, ghi nhận 1 ổ dịch thủy đậu với 32 trường hợp mắc ở cùng một lớp học, tại Trường Mầm non Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp). Với diễn biến thời tiết thay đổi liên tục và ô nhiễm không khí như hiện nay, các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện và bùng phát bất cứ lúc nào.
Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh cúm mùa nói riêng, hàng năm, người dân cần chủ động tiêm phòng các loại bệnh đã có vắc-xin phòng chống - đây là cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả cao và tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, khi tiếp xúc với người bệnh… Trong trường hợp mắc cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm, nên ở nhà, nghỉ học, nghỉ làm, tránh tiếp xúc những nơi đông người. Đối với các trường học, cần thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng học sinh tiếp xúc hàng ngày. Với những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm và phòng tránh lây lan thành dịch ra diện rộng trong cộng đồng.
Mỹ Hạnh