Đã 3 năm trôi qua, song Chủ tịch UBND xã Gia Hòa Bùi Phú Bắc vẫn thấy vui khi nhớ lại ngày khai giảng 2 lớp đào tạo nghề trên địa bàn xã.
Ông Bắc cho rằng, đây là chính sách kịp thời của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng và tạo điều kiện để người dân xã ông được tham gia học tập và có một nghề trong tay. Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính mình.
Chính vì thế, khi được tỉnh chọn triển khai thí điểm về dạy nghềnông nghiệp cho lao động nông thôn, chính quyền và nhân dân xã Gia Hòa rất phấn khởi và xác định đây là cơ hội lớn cho lao động địa phương. Xã quyết tâm làm thật nghiêm túc, để tạo nên bước đột phá về nghề cho lao động nông thôn.
Theo đó, xã đã phối hợp với các ban, ngành và Trung tâm Dạy nghề huyện xây dựng kế hoạch dạy nghề đảm bảo theo đúng quy định, hướng dẫn.
Công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi trên hệ thống truyền thanh 3 cấp, tại các hội nghị ở cơ sở. Những văn bản hướng dẫn, đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được cán bộ xã truyền tải tới tận người dân.
Qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề học nghề, giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Mặt khác, việc dạy nghề cho lao động được thực hiện theo hướng linh hoạt về thời gian, địa điểm, đa dạng về phương thức tổ chức và thuận lợi về quy trình thủ tục để người lao động có thể tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề.
Những nghề được lựa chọn để đào tạo cho lao động địa phương là: Đính hạt cườm, móc sợi, đan cói trên khung sắt. Các lớp học này đảm bảo về số lượng và chất lượng nhờ có sự tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền xã. Sự nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình các học viên.
Nhờ các biện pháp đó, chương trình đào tạo nghề đã đạt được kết quả khá, nhiều mô hình sản xuất mới đã đưa lại lợi ích kinh tế cho người lao động, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Sau một thời gian làm việc có hiệu quả, đến nay, 400 lao động ở xã đã không có việc làm.
Chị Sự, một trong những người đầu tiên tham gia lớp học nghề cho biết: Nghề đan cói, móc sợi tuy thu nhập không cao, làm chăm thì cũng chỉ có thu nhập 600.000-800.000đồng/tháng. Song đây lại là nghề thủ công, làm tranh thủ lúc nông nhàn nên bà con ai cũng phấn khởi.
Người biết nghề chỉ cho người chưa biết. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây chúng tôi không duy trì được nghề nữa vì doanh nghiệp không cấp đủ nguyên liệu và cũng không thu mua sản phẩm.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, lãnh đạo Phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ trước tới nay, những lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp như đan cói, bèo bồng, đính hạt cườm, mây tre đan xuất khẩu… hoàn toàn phụ thuộc vào việc thu mua của doanh nghiệp. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp tham gia đào tạo những nghề này đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chịu tác động rất lớn từ sự biến động về thị trường.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, vì vậy sức thu mua của doanh nghiệp cũng hạn chế. Chưa kể, vì tính đến lợi nhuận, doanh nghiệp chỉ cân nhắc thu mua ở những điểm gần để đỡ chi phí đi lại, đảm bảo lợi nhuận …
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp. Gần 70% trong số đó có các ngành nghề phù hợp với lao động thôn thôn. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Khi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Và quan trọng nữa, sau khi được đào tạo, chất lượng nguồn lao động được nâng cao sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Do vậy, những năm qua công tác đào tạo nghề đã đạt kết quả khả quan. Trong 3 năm qua, trên địa bàn tỉnh ta đã tổ chức 1.289 lớp dạy nghề cho 49.615 người lao động, trong đó dạy nghề dài hạn chiếm 29,83%. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của các ngành chức năng, tỷ lệ lao động duy trì nghề đạt rất thấp.
Từ lâu nay, thiếu lao động có nghề luôn là điều các địa phương, doanh nghiệp trăn trở. Nhưng có lẽ, để thu hút được lao động có nghề yên tâm làm việc, thì cơ hội việc làm, thu nhập mà địa phương, doanh nghiệp tạo ra cho người lao động phải đảm bảo ổn định.
Bên cạnh đó, người lao động sau khi học thành thạo nghề cũng nên chủ động, nhanh nhạy tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình, thay vì bị động chờ đợi từ doanh nghiệp. Có như vậy, mục đích "tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người lao động" của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới trở thành hiện thực.
Nguyễn Hùng