Gia đình đầu tiên mà chúng tôi gặp đó là nhà bà Nguyễn Thị Đoan (phường Ninh Sơn) - một trong những gia đình tiêu biểu tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng đã biết vươn lên xóa đói, giảm nghèo của thành phố Ninh Bình.
Trong ngôi nhà nhỏ, ngăn nắp, gọn gàng, bà Đoan vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống gia đình mình. Năm 23 tuổi, qua sự giới thiệu của một người bạn, bà đã gặp anh bộ đội Lã Hồng Thụy. Biết ông Thụy là thương binh nặng nhưng bà vẫn một mực thương yêu, quý trọng và kết duyên để có điều kiện chăm sóc ông nhiều hơn. Suốt mấy chục năm, tình cảm vợ chồng keo sơn gắn bó là nguồn sức mạnh để ông bà nuôi dạy con cái, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của cuộc sống thường nhật.
Vợ chồng bà Đoan đều sinh ra tại xã Ninh Sơn, cùng lớn lên với đói no, đồng bãi và từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, những khó khăn của thời kỳ đầu đổi mới, vợ chồng bà thấu hiểu nỗi nhọc nhằn cũng như giá trị to lớn của tự do, hạnh phúc. Vì thế, không chỉ giáo dục các con nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập mà vợ chồng bà còn dạy các con biết kính trên, nhường dưới, thương yêu nhau và quý trọng những gì mình đang có. Trong gia đình, ông Thụy luôn là trụ cột, là điểm tựa vững chắc của các con, bà Đoan luôn là tâm điểm của sự đoàn kết. Không may, năm 2001, vết thương tái phát, ông Lã Hồng Thụy đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho bà gánh nặng gia đình với 5 đứa con đang tuổi ăn học cùng bố mẹ chồng tuổi cao, sức yếu.
Bà Đoan tâm sự: Cũng năm đó, 2 cháu nhà tôi đã xuất sắc thi đỗ vào Trường Đại học Quân Sự và Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội. Cầm giấy báo đỗ đại học của các con mà tôi cứ ứa nước mắt, buồn, vui lẫn lộn. Vui vì con mình học hành giỏi giang, đỗ đạt. Buồn vì không biết sẽ lấy gì để nuôi chúng ăn học. Trong khi đó, cậu con trai cả còn đang học năm thứ 4 (Đại học Quân sự), chưa thể đỡ được gì cho mẹ. Nhiều lần phải chạy ngược, xuôi vay mượn tiền gửi cho các con ăn học. Nhưng cứ nghĩ đến tâm nguyện của chồng trước khi nhắm mắt là hãy chăm lo cho con cái được học hành tử tế, bằng bạn, bằng bè... tôi lại có thêm nghị lực và động viên các con khắc phục khó khăn vươn lên tất cả để mỗi đứa đều có bằng đại học.
Làm gương cho các con cũng là việc mà bà Đoan luôn coi trọng. Từ việc đối xử với bố mẹ chồng, với anh em, với hàng xóm, láng giềng, bà đều thể hiện tấm lòng trung thực, quý trọng để con cái noi theo. Mọi việc trong gia đình đều một tay bà lo toan, khi có công việc quan trọng, bà xin ý kiến của bố mẹ chồng (bố mẹ chồng bà Đoan năm nay đã bước sang tuổi 80). Vì thế, trong gia đình bà Đoan có tới 4 thế hệ cùng chung sống, nhưng mọi người luôn tôn trọng, quý mến, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau.
Mặc dù lâu nay, nhiều người dân ở đô thị vẫn quen với nếp sống "nhà ai biết nấy" nhưng khi đến phố Văn Miếu, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình), hỏi thăm nhà ông Hoàng Văn Tu thì ai cũng biết tường tận.
Sinh năm 1953 tại Ninh Xuân (Hoa Lư). Năm 1974, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, ông Tu cũng như bao thanh niên khác hăng hái lên đường nhập ngũ, phục vụ chiến trường. 14 năm tham gia quân đội, năm 1988, ông được nghỉ chế độ bệnh binh, trở về quê hương, lập nghiệp tại quê vợ (Nam Thành, thành phố Ninh Bình). Sau 5 năm lấy nhau, rồi niềm vui cũng đến với vợ chồng ông bà khi sinh được cậu con trai đầu lòng.
Nhưng niềm vui không trọn vẹn vì đứa con sinh ra chẳng nói, chẳng cười... ngơ dại. Rồi mọi niềm tin, hy vọng, vợ chồng ông lại đặt vào đứa con trai thứ 2. Nhưng chỉ mấy năm sau, nó cũng lại giống như anh của mình... bị thiểu năng trí tuệ! Nhà nghèo, bệnh trọng, vợ chồng ông đã đi vay mượn để có tiền cho các con đi chữa trị khắp nơi. Song không thể cứu vãn vì chúng đã bị ảnh hưởng của chất độc da cam do những năm tháng ông Tu tham gia kháng chiến.
Mặc dù hoàn cảnh đặc biệt éo le nhưng vợ chồng ông Tu vẫn tần tảo lao động, chắt chiu dành dụm, đến năm 2006 vợ chồng ông đã dựng được căn nhà kiên cố, không còn phải lo lắng mỗi khi mưa to, gió lớn. Nhưng trớ trêu thay, cùng năm 2006, vợ ông Tu lại bị ung thư phổi, một tai họa của cuộc đời ập đến với gia đình nhỏ bé ấy. Mặc dù thế, tình thương yêu đùm bọc đã là nguồn động lực để gia đình ông vượt lên số phận.
Ông tâm sự: Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn, vì thế vợ chồng tôi thực sự yêu thương, sẻ chia và bình đẳng trong cách nghĩ cũng như trong công việc. Tôi tin rằng khó khăn rồi cũng qua đi...
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tu ít kể về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình mà luôn nói về những băn khoăn, trăn trở của mình trước những công việc ở khu phố, nơi ông đang là tổ trưởng. Năm 2000, ông Tu được bà con khu phố Văn Miếu tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Gần 10 năm trong cương vị tổ trưởng tổ dân phố, ông Tu đã cùng nhiều cán bộ, đảng viên tích cực tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, luôn giúp đỡ những hộ khó khăn; giải quyết những mâu thuẫn, bất hòa trong từng gia đình, góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó trong cồng đồng dân cư. Vì vậy, nhiều năm liền, phố Văn Miếu luôn đạt khu dân cư tiên tiến, văn hóa.
Mai Lan