Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày "Gia đình Việt Nam" 28-6 hàng năm nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Qua đó góp phần tích cực để thúc đẩy phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Để tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện công tác gia đình trên địa bàn tỉnh, từ năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của "Chiến lược gia đình Việt Nam ở tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2005- 2010", triển khai hoạt động các đề án trong chiến lược gia đình của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó xác định rõ mục tiêu, phương hướng cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, Sở đã hướng dẫn các địa phương lồng ghép các nội dung công tác gia đình với việc thực hiện các chương trình, đề án, các mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, phố văn hóa… Bên cạnh đó, công tác gia đình cũng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phát động phong trào "Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Hội Phụ nữ các cấp triển khai thực hiện phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", phong trào "5 không, 3 sạch". Các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… trong lĩnh vực hoạt động của mình đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, trợ giúp hội viên, đoàn viên xây dựng gia đình hạnh phúc, có nhiều hình thức hỗ trợ về vốn, kiến thức, ngày công, con giống… để giúp hội viên, đoàn viên phát triển kinh tế, góp phần xây dựng gia đình văn hóa. Thông qua các nội dung từ các phong trào thi đua của các đoàn thể, các gia đình đã thường xuyên quan tâm, nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết tương trợ trong cộng đồng, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử văn minh, gương mẫu, chấp hành quy ước, hương ước của địa phương… Nhắc đến cô giáo Đinh Thị Viềng (Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy), hầu như ai cũng biết đây là nhà giáo giàu thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học của nhà trường. Nhưng ít người biết được, mặc dù bận rộn quanh năm với các lứa học sinh và các lớp tập huấn đội tuyển học sinh giỏi, cô giáo Đinh Thị Viềng luôn đảm nhiệm tốt vai trò của một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống. Cô Viềng chia sẻ: Gia đình tôi có 5 người, với ba thế hệ cùng chung sống từ năm 1985 đến nay. Giai đoạn khó khăn nhất của gia đình tôi là vào những năm 1985 đến 1993. Lúc đó gia đình chúng tôi còn có bà ngoại của chồng. Chồng tôi đi học văn bằng hai, hai con nhỏ, bà và mẹ già, kinh tế gia đình khó khăn. Vừa phải lo tiền cho chồng đi học, tiền sinh hoạt cho cả nhà, nhiều lúc tôi mệt mỏi và tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng tình yêu, tình thương và trách nhiệm đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả khó khăn để có được một gia đình trọn vẹn như hôm nay. Được biết, mặc dù sống trong gia đình nhiều thế hệ, nhưng mọi thành viên trong gia đình cô Viềng đều có sự quan tâm, chia sẻ với nhau. Với bà và bố mẹ, các cháu luôn ngoan, chăm học, lễ phép, biết quan tâm, chia sẻ việc nhà. Người lớn trong gia đình lại thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh và công việc học hành của con cháu. Trong quá trình sống, bà và bố mẹ sống mẫu mực để cho con cháu học tập và rèn luyện. Như bản thân cô giáo Viềng, vừa phải hoàn thành công việc xã hội, vừa phải lo toan công việc gia đình, nên cô đã có kế hoạch, sắp xếp thời gian một cách hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời có thời gian tham gia các hoạt động xã hội.
Nhìn lại quá trình gần 30 năm sinh sống theo mô hình gia đình truyền thống với 3 thế hệ, 5 thành viên trong gia đình luôn đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau phấn đấu xây dựng gia đình nhỏ bé của mình trở thành tổ ấm để ai đi đâu cũng muốn nhanh chóng quay về. Mẹ chồng cô năm nay đã 85 tuổi, nhưng vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, tự lo công việc cá nhân của mình. Vợ chồng cô đều hoàn thành xuất sắc công việc của cơ quan, được bạn bè, đồng nghiệp quý mến.
Bản thân cô giáo Đinh Thị Viềng nhận được nhiều bằng khen của các cấp, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2008. Con gái cô tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội I, được tuyển dụng theo chính sách thu hút về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Hiện nay cháu đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cậu con trai đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội, được tuyển dụng theo chính sách thu hút về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Trong những năm qua, gia đình cô Đinh Thị Viềng luôn được công nhận là "gia đình văn hóa" là gia đình tiêu biểu trong phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền" tại khu dân cư...
Gia đình cô giáo Đinh Thị Viềng là một trong hơn 220 nghìn gia đình văn hóa tiêu biểu trong tỉnh. Chính sự nỗ lực, cố gắng của mỗi gia đình trong việc xây dựng, vun đắp mái ấm của họ luôn đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc chính là nền tảng vững chắc để phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có những bước phát triển vững chắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại mỗi địa phương.
Bùi Diệu