Phong trào đã làm tốt vai trò cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vận động nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng tình làng, nghĩa xóm, "tối lửa, tắt đèn có nhau". Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong xây dựng, xã hội hóa công tác bảo đảm ANTT theo hướng "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải", tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các mô hình trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Để thực hiện tốt phong trào "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn", công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm được thực hiện đa dạng, phong phú, có nhiều sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, khu vực, tạo điểm nhấn thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
Công an tỉnh đã biên tập, phát hành 3.000 cuốn sổ tay tuyên truyền về mô hình phong trào "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn". Tổ chức 150 hội nghị tuyên truyền tại các thôn, xóm. Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng đã làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân thấy rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện phong trào "Tổ dân phố, thôn xóm an toàn".
Việc xây dựng phong trào đã gắn kết và phát huy tác dụng, hiệu quả của các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở như phong trào "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự", "Xứ họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh trật tự", "An toàn trường học"; đảm bảo an toàn, văn minh tại các khu, điểm du lịch, cụm công nghiệp và các địa bàn giáp ranh… Thông qua đó, xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về an ninh trật tự.
Thực hiện phong trào "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn" đã góp phần giải quyết và chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn xóm, các đoàn thể quần chúng và người có uy tín trong công tác xây dựng phong trào tổ dân phố, thôn, xóm an toàn; lấy phòng ngừa xã hội là chính, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tai, tệ nạn xã hội, giải quyết chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ANTT. Tình hình ANTT ở 27 xã trọng điểm, 160 khu dân cư phức tạp về ANTT đã có chuyển biến rõ nét.
Các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phong trào an toàn các khu, điểm du lịch, an toàn trường học…
Thông qua thực hiện phong trào đã phát huy được vai trò, trách nhiệm, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm và người có uy tín trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở.
Đội ngũ này luôn gương mẫu đi đầu, phát huy vai trò nòng cốt trong các phong trào ở địa phương, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phong trào "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn" đã tạo nền tảng đảm bảo ANTT ở cơ sở. Qua phong trào, nhân dân đã cung cấp cho chính quyền và lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị, giúp điều tra, khám phá nhiều vụ án hình sự, đưa tỷ lệ khám phá các vụ án hình sự lên hơn 83%; nhân dân còn cùng lực lượng Công an vận động 85 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú.
Phong trào "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn" còn góp phần thực hiện tốt việc xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT; thực hiện tốt tiêu chí số 19 về giữ vững an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua thực hiện phong trào đã góp phần đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Bài, ảnh: Trần Dũng - Anh Tuấn