Giải cầu lông thiếu niên, nhi đồng câu lạc bộ Tràng An Ninh Bình mở rộng lần thứ 2 tuy chỉ là một giải thể thao quần chúng song thu hút số lượng các tay vợt ở mức kỷ lục với 230 tay vợt. Điểm đáng lưu ý nữa đây hoàn toàn không chỉ có những tay vợt nội tỉnh mà còn rất đông các vận động viên ngoại tỉnh. Thậm chí có nhiều tay vợt nhí đến từ các tỉnh cách rất xa Ninh Bình như Lào Cai, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Lai Châu, Thái Nguyên, Phú Thọ...
Đến từ các tỉnh xa, đồng nghĩa với việc để được thi đấu nhiều tay vợt đã phải chi phí rất nhiều cho những ngày ăn, ở thi đấu tại Ninh Bình. Bởi theo điều lệ giải mọi kinh phí ăn, ở, đi lại các tay vợt hoàn toàn tự túc. Tất nhiên đối với các câu lạc bộ tham dự giải, khi đã phải trang trải mọi kinh phí để tới tham dự một sân chơi không ai lại mang đến trình làng một món hàng "chất lượng thấp".
Cũng vì lý do đó mà sân chơi giải cầu lông thiếu niên, nhi đồng câu lạc bộ Tràng An Ninh Bình mở rộng lần thứ 2 có được vinh dự khi quy tụ được nhiều tay vợt nhí giỏi đến từ nhiều tỉnh, thành. Với nhiều tay vợt giỏi tham gia, lẽ dĩ nhiên cuộc chơi cũng sẽ khắc nghiệt hơn và hấp dẫn hơn.
Các tay vợt cả chủ lẫn khách có cơ hội thử thách nhiều lối đánh, nhiều phong cách thi đấu của những lối huấn luyện khác nhau, của những tỉnh thành khác nhau. Chính yếu tố trải nghiệm khiến cuộc chơi này trở nên hấp dẫn và nhiều tay vợt cùng gia đình cũng không ngại "mở hầu bao" để được tham dự vào giải đấu này.
Một điều đáng lưu ý nữa, đây là lần thứ 2 giải đấu này được câu lạc bộ cầu lông Tràng An Ninh Bình tổ chức. Lần này số lượng câu lạc bộ tham gia đông hơn nhiều so với lần một. Điều đó chứng tỏ sức hút ngày càng tăng của giải đấu.
Tất nhiên để có được sức hút thì các đội tham dự giải đã quan tâm đến nhiều yếu tố: điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, năng lực tổ chức giải, các yêu cầu về mặt chuyên môn... rất may là với những đòi hỏi trên từ phía những người tham dự giải, phía đơn vị đăng cai tổ chức đã cơ bản đáp ứng được. Điểm quan trọng hơn là khi về Ninh Bình thi đấu đoàn tuyển thực sự thấy hài lòng.
Các tay vợt đã được trải nghiệm cuộc chơi vừa giàu thử thách, hấp dẫn vừa hết sức sòng phẳng khi chỉ những tay vợt giỏi mới giành giải thưởng và không có một sự ngoại lệ nào khác. Điều này khác hẳn với nhiều giải đấu thi thoảng vẫn thấy ở nơi này nơi kia khi mà giải đấu là những giải theo kiểu "giải mời", "giải giao hữu", vận động viên thi đấu cầm chừng. Và rồi các giải thưởng thường được trao theo lối "cả nhà cùng vui".
Một điểm đáng chú ý khác nữa là ngoài mục tiêu về Ninh Bình thi đấu thể thao, nhiều tay vợt sau khi kết thúc giải đều thực hiện việc tham quan các di tích, danh thắng. Hoạt động này chứng tỏ một thói quen phần nào rất có lợi cho hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình: Đó là hoạt động thi đấu thể thao kết hợp du lịch.
Như vậy giải đấu cũng là một kênh góp phần quảng bá quan trọng cho các hoạt động kinh tế du lịch, bên cạnh mục tiêu ban đầu là một sân chơi thể thao hữu ích cho giới trẻ. Với một giải thể thao tổ chức bằng hình thức xã hội hóa nhưng mang lại lợi ích "hai trong một" như vậy thiết nghĩ những hoạt động thi đấu tương tự như vậy trong tương lại rất nên được khuyến khích tổ chức.
Phương Nam