Đối với nhiều xã, phường vùng xuôi, để có một đội bóng luyện tập đều đặn đã không phải là chuyện dễ nhưng xã Cúc Phương hiện thời có đến ba đội bóng chuyền: đội 1 thuộc các thôn Đồng Quan, Đồng Tiến; đội 2 các thôn: Nga 1, Nga 2, Nga 3; đội 3 gồm Bãi Cả, thôn Sấm 1, Sấm 2. Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng người dân nơi đây đã sớm tạo được ý thức tập luyện TDTT trong sinh hoạt hàng ngày. Các đội bóng có thành phần chủ yếu là cán bộ kiểm lâm, giáo viên, cán bộ trung tâm khí tượng, cán bộ công chức xã, bộ đội và chiếm số lượng nhiều nhất là các thanh niên của các thôn. Trung bình mỗi đội bóng có khoảng từ 12 - 15 thành viên, cá biệt có những đội số lượng lên đến 20 người.
Điểm đặc biệt của các đội bóng này là ở chỗ tinh thần luyện tập môn thể thao rất hăng say. Vào các buổi chiều, nhất là các buổi chiều mùa hè quãng thời gian từ 17h-18h30' tại các điểm có sân bóng bao giờ cũng sôi động. Do được tập luyện thường xuyên nên trình độ của các tuyển thủ bóng chuyền Cúc Phương rất trội so với mặt bằng chung của bóng chuyền Nho Quan. Điều đó lý giải vì sao vào các kỳ đại hội TDTT cấp tỉnh, riêng đội tuyển bóng chuyền huyện Nho Quan có đến 2/3 số tuyển thủ chọn từ các đội bóng xã Cúc Phương. Đối với một xã miền núi vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn thì những con số trên rất đáng ghi nhận. Việc đến với bóng chuyền của người dân ở đây trước hết là để rèn luyện thân thể, thứ nữa là tìm thấy một thú vui giải trí lành mạnh, để có cơ hội giao lưu học hỏi, tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng…
Lý giải về nguyên nhân "phát triển bền vững" đáng ngạc nhiên của môn thể thao này của xã, anh Đinh Quốc Toản (cán bộ văn hóa xã Cúc Phương) cho biết, các đội bóng chuyền chủ yếu có lực lượng là các thanh niên và các cán bộ công tác tại địa phương nên nhờ đó duy trì được phong trào thường xuyên, lâu dài. Mặt khác có một điểm đáng mừng là Cúc Phương có nhiều học sinh theo học Đại học TDTT Từ Sơn, do vậy vào những dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, được xã vận động, họ đã tích cực tham gia xây dựng phong trào. Chính các sinh viên TDTT đã huấn luyện kỹ thuật cho các tuyển thủ của các thôn, do vậy trình độ của các tay đập Cúc Phương khá tốt. Vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn trong năm, xã đã tổ chức các hoạt động TDTT để chào mừng. Bên cạnh các môn thể thao truyền thống như: đánh mảng, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy thì bóng chuyền là một trong những môn được người dân hưởng ứng tích cực nhất. Môn bóng chuyền cũng là môn góp phần to lớn vào phong trào TDTT của xã, giúp Cúc Phương giành vị trí thứ nhì toàn đoàn trong Đại hội TDTT huyện Nho Quan năm 2009.
Mai Phương