Những kết quả nổi bật
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc giải quyết thủ tục BHTN. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Trung tâm đã xây dựng cơ cấu bộ máy tổ chức thành lập Phòng BHTN, tổ chức cho cán bộ đi tập huấn nghiệp vụ BHTN, xây dựng kế hoạch công tác, đi học hỏi kinh nghiệm giải quyết chính sách BHTN tại các tỉnh bạn; cơ sở vật chất cũng được đầu tư đầy đủ, khá hoàn thiện. Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về chính sách BHTN. Đồng thời, phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội của các huyện, thành phố tuyên truyền về thực hiện chính sách BHTN. Trung tâm đã phối hợp lồng ghép tuyên truyền chính sách BNTN đến các doanh nghiệp và người lao động tại các phiên giao dịch việc làm hàng tháng. Nhờ đó, những thông tin về chính sách BHTN đã được chuyển tải đến đông đảo người lao động và người sử dụng lao động. Cán bộ Phòng BHTN cũng thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về chính sách BHTN, lưu trữ hồ sơ BHTN khoa học và linh hoạt để phục vụ công tác giải quyết chính sách BHTN cho người lao động kịp thời theo đúng quy định, đồng thời thực hiện đầy đủ, đảm bảo chế độ báo cáo định kỳ theo yêu cầu của cấp trên. Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi lại trong việc giải quyết chính sách BHTN ngoài văn phòng Bảo hiểm của Trung tâm tại Khu Làng nghề Ninh Phong (phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình). Trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai 1 văn phòng BHTN tại huyện Yên Khánh và 2 điểm vệ tinh BHTN tại huyện Nho Quan, huyện Kim Sơn để tiếp nhận và giải quyết chính sách BHTN cho người lao động... Tính từ năm 2010 đến tháng 7-2015, trên địa bàn tỉnh có 9.226 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, có trên 8.500 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 4.000 người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Để BHTN thực sự là "cứu cánh" của người lao động
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện chính sách BHTN đó là người lao động khi thất nghiệp mới chỉ quan tâm đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của mình, chứ chưa thật sự quan tâm đến mục đích của chính sách là hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để có thể quay lại thị trường lao động. Bởi vậy, công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp còn chưa hiệu quả. Tỷ lệ lao động tham gia tư vấn về học nghề để tìm cơ hội việc làm mới còn thấp.
Ông Phạm Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm lý giải, người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành may mặc, giày da, xây dựng… Số lao động này qua quá trình đi làm đã có tay nghề nhờ được đào tạo tại doanh nghiệp nên dù bị thất nghiệp thì họ vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới. Trong khi đó, người lao động sau khi học nghề với thời gian 3 tháng thì có được chứng nhận bằng nghề sơ cấp. Nhưng thu nhập của người lao động trình độ sơ cấp lại không cao hơn so với lao động phổ thông, mà cơ hội được tuyển dụng lại rất hạn chế, bởi trình độ tay nghề khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ học nghề quá thấp cũng là nguyên nhân khiến người lao động bị thất nghiệp không "mặn mà" với việc học nghề mới. Theo quy định, người bị thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng và thời gian học là 3 tháng. Nhưng phí dạy nghề hiện nay đều cao hơn so với mức hỗ trợ này rất nhiều. Đơn giản như một khóa học ngắn hạn nghề may công nghiệp đã mất khoảng kinh phí là 2 triệu đồng. Nếu chỉ nhận được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng thì toàn khóa học sẽ chỉ được hỗ trợ 900 nghìn đồng. Như vậy, người lao động sẽ phải đóng thêm 1,1 triệu đồng mới được tham gia khóa học nghề này. Trong khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Mức hỗ trợ thấp và thời gian học ngắn như vậy khiến người lao động dù có muốn cũng không thể nào học được nghề mới. Do vậy, tâm lý chung của các lao động là chọn lao động tự do để có thu nhập duy trì cuộc sống trong khi tìm việc làm mới.
Nhận thức rõ những hạn chế đó và quan trọng hơn là để người lao động thực sự đủ khả năng để quay lại thị trường theo đúng tinh thần của chính sách BHTN, thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức một số hội thảo về thực trạng dạy nghề cho lao động thất nghiệp. Một phương án được đưa ra thảo luận và nhận được sự hưởng ứng cao đó là sẽ hỗ trợ học nghề cho những lao động bị thất nghiệp do tay nghề còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thông qua lớp học này sẽ góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề để người lao động có thể dễ dàng tìm được một việc làm mới và "sống" được bằng nghề mình đã chọn. Còn đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm nhằm đẩy mạnh hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHTN đến các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là nâng cao chất lượng tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động hưởng chính sách BHTN, đặc biệt là hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp để nâng cao chất lượng tư vấn chính sách BHTN, học nghề, tạo việc làm giữa Trung tâm và các huyện, thành phố. Trung tâm cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên, giám sát định kỳ việc thực hiện BHTN tại các cơ sở và một số doanh nghiệp trong tỉnh có nhiều lao động tham gia BHTN.
Bài, ảnh: Thu Hằng