Theo Thông tư 57/2015/TT-BCA, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc đối tượng trang bị phương tiện PCCC gồm 2 nhóm chính: Ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Để triển khai Thông tư 57 của Bộ Công an đạt hiệu quả, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đã tham mưu với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đến các khu dân cư để người dân nắm được Thông tư và thực hiện theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện trang bị thiết bị PCCC trên xe.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu thực hiện Thông tư 57, các đơn vị, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các đơn vị vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư.
Còn đối với các cá nhân sở hữu xe ô tô 4 chỗ ngồi trở lên thì hầu như không để ý đến việc trang bị thiết bị chữa cháy trên xe. Khi được lực lượng chức năng kiểm tra nhắc nhở, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ với việc ban hành Thông tư cũng như thời hiệu thi hành. Điều đáng nói là có một số xe, mặc dù được các hãng trang bị sẵn thiết bị chữa cháy nhưng các tài xế tỏ ra lúng túng khi sử dụng các thiết bị!
Ông Dương Thanh ở xã Trường Yên (Hoa Lư) cho biết: Tôi mua xe ô tô 4 chỗ cách đây gần 6 năm. Là một người thường xuyên phải đi công tác xa, vì vậy, tôi cũng ý thức phải tự trang bị các thiết bị PCCC trên xe, vừa là để phòng, vừa là để ứng cứu cho người khác khi cần thiết. Tôi nghĩ, việc ban hành Thông tư 57 của Bộ Công an là đúng và rất cần thiết.
Có mặt tại Bến xe khách Ninh Bình vào lúc 8 giờ sáng, qua kiểm tra của công an PCCC và cứu nạn, cứu hộ, phần lớn các xe đã được trang bị các thiết bị cứu hỏa như: bình cứu hỏa, búa... Tuy nhiên, nếu theo danh mục của Thông tư 57 thì hiện các xe vẫn chưa có gang tay chống cháy; khẩu trang và các bình cứu hỏa thì gần như chưa đạt chuẩn về dung tích.
Ông Lê Thái Bình, Phó phòng Kế hoạch (Công ty cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình) cam kết, ngay sau khi được hướng dẫn của Công an PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đơn vị sẽ bổ sung đầy đủ các thiết bị theo như danh mục hướng dẫn của Thông tư.
Tìm hiểu thực tế tại Taxi Xuân Thành, một trong những đơn vị kinh doanh vận tải hành khách lớn của tỉnh, chúng tôi nhận thấy đơn vị đã lưu tâm đến việc thực hiện Thông tư 57. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Taxi Xuân Thành cho biết: Ngay từ cuối năm 2015, Công ty đã trang bị 100% thiết bị cứu hỏa cho các xe của hãng, đồng thời phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tổ chức tập huấn phương án PCCC cũng như các kỹ năng sử dụng các thiết bị, qua đó giúp các tài xế cũng như cán bộ, CNV của Công ty nâng cao ý thức chấp hành Luật PCCC. Công ty thường xuyên nhắc nhở lái xe có ý thức trong việc kiểm tra các thiết bị chữa cháy trên xe trước khi di chuyển.
Anh Nguyễn Đức Cảnh, lái xe Taxi Xuân Thành phấn khởi nói: Tôi vào đây làm việc đã được gần 6 năm. Khi có Thông tư 57 của Bộ Công an, Công ty đã trang bị thiết bị cứu hỏa và tập huấn cho các lái xe cách sử dụng các thiết bị, tôi cảm thấy rất yên tâm khi điều khiển xe. Đây cũng là một trong những giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho khách hàng, cho người lái xe và tài sản của Công ty.
Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các phương tiện giao thông cơ giới không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng theo quy định thì bị phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng; không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới dùng để vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định thì bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu, lực lượng chức năng vẫn tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn các chủ phương tiện thực hiện nghiêm túc Thông tư 57 của Bộ Công an là phải trang bị đầy đủ thiết bị PCCC cho xe ô tô. Trên thị trường có rất nhiều cơ sở kinh doanh phương tiện vật tư, thiết bị PCCC mà người dân có thể dễ dàng mua để trang bị.
Tuy nhiên, để trang bị phương tiện PCCC đảm bảo chất lượng, đúng tiêu chuẩn, người dân cần lưu ý chỉ mua phương tiện đã được kiểm định về PCCC và dán tem kiểm định của cơ quan có thẩm quyền.
Đây cũng là một trong những khó khăn của các tổ chức, cá nhân khi muốn mua các thiết bị cứu hỏa đạt chuẩn. Mặt khác, Theo Thông tư 57, phạm vi và đối tượng điều chỉnh rất rộng. Hiện nay, số lượng người sử dụng xe ô tô từ 4-9 chỗ ngồi khá nhiều, vì vậy rất khó cho ngành chức năng trong việc kiểm tra chấp hành Thông tư 57.
Để khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện, theo đại tá Đặng Văn Linh, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Thông tư bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh 3 cấp; phát tờ rơi; phối hợp với các tổ dân phố, khu dân cư tuyên truyền đến các chủ xe ô tô, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Có thể nói, việc trang bị thiết bị PCCC ngay trên xe là việc làm cần thiết, nhất là đối với các loại xe chở người nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như chủ sở hữu khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhận thức của các chủ phương tiện khi tham gia giao thông sẽ chuyển biến. Qua đó giảm tải các vụ cháy, nổ liên quan đến xe ô tô, đem lại sự yên tâm cho người dân khi lưu thông trên đường.
Bài, ảnh: Mai Lan