Tại Yên Khánh, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Yên Khánh được thành lập năm 2006 với 5 hội viên: Đỗ Trọng Am (nghiên cứu - sưu tầm), Lê Đăng Khoa (âm nhạc), Nguyễn Hãn (sân khấu), Nguyễn Ngọc Cẩn (hội họa), Lê Hữu Chư (sáng tác thơ, văn). Từ khi mới thành lập chỉ có 5 hội viên, đến nay Chi hội đã có 50 cộng tác viên sinh hoạt tại 15 Câu lạc bộ thơ và tổ thơ, tổ thơ liên xã. Việc thu hút số lượng đông đảo các tác giả tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật là điều kiện để Chi hội nâng cao chất lượng hoạt động, tìm kiếm và phát hiện thêm những nhân tố mới. Nhiều gương mặt mới như: Lê Trung Hưng, Phạm Cao Thành, Nguyễn Tất Đặng, Phạm Thanh Thuyên, Hoàng Thị Sơn… đã bắt nhịp nhanh với sinh hoạt văn nghệ của Chi hội và từng bước nâng chất lượng sáng tác và đã có nhiều tác phẩm đăng ở các báo, tạp chí.
Bên cạnh đó, những hội viên cũ vẫn không ngừng sáng tạo, phát huy vai trò tiền phong của mình trong hoạt động của Chi hội. Nhà nghiên cứu Đỗ Trọng Am liên tiếp cho in nhiều tác phẩm có giá trị như: Bồng Châu văn hóa và sự tích (1995), Sông núi và nhân vật đất Yên Mô (2002), Đại chí văn hóa Yên Khánh (2007), Văn hóa dòng họ Việt Nam (2011). Nhạc sỹ Lê Đăng Khoa tiếp tục sáng tác nhiều nhạc phẩm với giai điệu, tiết tấu đẹp, trở thành "khách quen" của các chương trình văn nghệ trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam. Nhiều bài hát đã tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nhạc như: Mưa Xuân (1995), Ngày vui bầu cử (1999), Tuổi trẻ tiến về Trường Sơn (2000), Lên Cao Bằng thêm nhớ Bác (2006), Rực cháy Fakel (1999). Đặc biệt nhạc sỹ đã dành nhiều tâm huyết cho những nhạc phẩm viết về quê hương Ninh Bình như: Hành khúc thanh niên Ninh Bình; Lung linh non nước Ninh Bình.
Trong đó "Hành khúc thanh niên Ninh Bình" trở thành bài hát truyền thống của Đoàn thanh niên Ninh Bình, nhạc phẩm "Lung linh non nước Ninh Bình" khiến nhiều người nghe xúc động khi nhạc sỹ thể hiện được chiều sâu tâm hồn của người Ninh Bình qua âm nhạc. Tác giả Nguyễn Ngọc Cẩn với họa phẩm "Khúc nhạc đồng quê" đã vinh dự giành giải thưởng Trương Hán Siêu. Nhà văn, nhà thơ Lê Hữu Chư với nhiều tác phẩm: Tiềm thức Bồng Châu (thơ), Mùa hoa bưởi (thơ), Thi hứng về đâu (thơ)… đã chiếm được cảm tình của giới văn nghệ và sự yêu thích của công chúng.
Thời gian qua, Chi hội Văn học nghệ thuật Yên Khánh không chỉ duy trì tốt hoạt động sáng tác mà còn góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phong trào văn nghệ trong toàn huyện. Chi hội đã phát động cuộc thi sáng tạo văn học nghệ thuật (2007), phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy phát động cuộc thi sáng tác thơ ca chào mừng 15 năm tái lập huyện Yên Khánh, phát động cuộc thi viết về quê hương, đất nước, chào mừng ngày bầu cử (năm 2011)…
Với những hoạt động tích cực và hiệu quả trên, Chi hội VHNT huyện Yên Khánh đã chứng tỏ là một tổ chức có sức hút, khả năng quy tụ mạnh mẽ các tác giả văn học nghệ thuật, là sân chơi bổ ích và lý thú cho người yêu văn nghệ huyện Yên Khánh
Mai Phương