Cụ thể trong lĩnh vực đường bộ, Nghị định 46 bổ sung việc xử phạt hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe; để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực thu phí... Xử phạt các hành vi như dùng tay sử dụng điện thoại di động, không thắt dây an toàn tại các vị trí có dây an toàn; vượt đèn vàng...
Đặc biệt, Nghị định quy định việc bắt buộc người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo, xe máy chuyên dùng "Sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn".
Nghị định 46 cũng quy định tăng mức xử phạt một số hành vi về kết cấu hạ tầng đường bộ, hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, vi phạm quy định về hoạt động kiểm định, nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông; nhóm hành vi chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện, nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường, một số hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ…
Tăng mức phạt đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Nghị định đã bổ sung thêm về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền lập biên bản; thủ tục xử phạt và lùi thời gian thực hiện của một số lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Đồng chí Đinh Văn Ninh, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Nghị định 46 điều chỉnh một số quy định, chủ yếu là tăng mức phạt đối với một số nhóm hành vi có nguy cơ cao dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông. Trước khi Nghị định 46 có hiệu lực, Phòng Cảnh sát giao thông đã tổ chức quán triệt tới tất cả các cán bộ, chiến sỹ làm công tác đảm bảo TTATGT, xử lý vi phạm nội dung và những điểm mới, bổ sung của Nghị định.
Quán triệt lực lượng CSGT trong tỉnh tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định; mặt khác tiếp tục tuyên truyền các nội dung của Nghị định này đến người tham gia giao thông; đồng thời trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ phải giữ đúng lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực với người tham gia giao thông. Sau hơn nửa tháng Nghị định 46 chính thức có hiệu lực, đa số người dân đã nắm được quy định, một số người còn bỡ ngỡ, chưa rõ, nhưng sau khi được cảnh sát giao thông giải thích, đều nghiêm túc chấp hành.
Thực hiện Nghị định 46, từ ngày 1 đến 15-8, toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 1.486 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; phạt tiền trên 1 tỷ đồng; tạm giữ 255 xe mô tô, 7 ô tô; tước quyền sử dụng 327 giấy phép lái xe; xử lý 472 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi trên xe mô tô, xe máy. So với trước khi Nghị định 46 có hiệu lực, số người vi phạm đã giảm hơn 20%.
Điều đó cho thấy, việc thực hiện nghiêm Nghị định 46 của Chính phủ là việc làm hết sức cần thiết, đã tạo được sức răn đe và góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, nhằm giúp cho tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.
Chị Nguyễn Thị Liên (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi có nắm được một số thông tin quy định trong Nghị định 46 của Chính phủ và rất ủng hộ việc tăng mức phạt vi phạm các lỗi vi phạm phổ biến khi tham gia giao thông, nhất là việc Nghị định 46 tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cao gấp 1,5 lần mức cũ, tôi thấy như vậy là rất phù hợp, nhằm xử lý triệt để tình trạng này, giúp cho tình hình an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn.
Trước đây có thể mức phạt chưa đủ sức răn đe, nên nhiều người vẫn coi thường và thường vi phạm quy định, không những gây nguy hiểm cho bản thân mà còn cho người đi đường.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Ninh Bình, vẫn còn tình trạng người dân không đội mũ bảo hiểm; vượt đèn vàng; sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; uống rượu bia nhưng vẫn lái xe; phóng nhanh vượt ẩu...
Để mọi người dân nắm được nội dung của Nghị định 46 một cách sâu rộng, thời gian tới các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và nghiêm khắc xử lý các trường hợp cố ý vi phạm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như uống rượu bia, lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ... theo đúng quy định của Nghị định 46.
Kiều Ân