Thiêng liêng tiếng Tổ quốc giữa trùng khơi Với phóng viên Mai Phương (phòng Văn xã, Báo Ninh Bình) thì lần được tác nghiệp tại một số đảo, thuộc quần đảo Trường Sa là một dấu ấn khó phai trong đời làm báo.
Đã hơn 3 năm trôi qua kể từ ngày cùng đoàn 16 nhà báo đi trên con tàu HQ936 làm một cuộc hành trình đến các đảo: Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa Đông… nhưng những cảm xúc lần đầu được ra đảo ấy đối với anh vẫn còn tươi mới. Mai Phương tâm sự, ngày anh xuống tàu ra đảo, anh chỉ nặng trên 50kg thôi. Nhìn anh, nhiều đồng nghiệp đùa không biết có vượt qua được một trận say sóng không. Vậy là ngoài sự ngóng đợi, hồi hộp, thấp thỏm như ngày đầu tiên được mẹ dắt đến trường ấy là cả một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể lực. Đi đâu, chứ đi ra với đảo, với các chiến sỹ hải quân không thể yếu mềm được. Trên hành trình ra đảo, Mai Phương và Minh Đường - một đồng nghiệp Báo Ninh Bình đồng hành cùng Mai Phương đã vạch sẵn kế hoạch "tác chiến", dự định những hình ảnh, những đề tài sẽ được triển khai ngay khi bắt đầu đặt chân lên đảo để kịp chuyển về những thông tin sống động nhất về cuộc sống của người lính trên đảo.
Mai Phương nhớ lại: Sau những ngày lênh đênh trên biển, cuối cùng đảo Tốc Tan cũng hiện ra giữa màu xanh ngắt của biển, giữa màu đỏ rực của sắc cờ Tổ quốc. Lúc ấy, trong lòng ai cũng thấy nghẹn ngào, trào dâng một cảm xúc thật đặc biệt. Vẫn là những lá cờ Tổ quốc nhỏ bé mà mọi người nhìn thấy hàng ngày, ấy vậy mà khi lá cờ ấy được tung bay giữa trùng khơi bao la thì ai cũng rưng rưng, xúc động. Với tôi, trong khoảnh khắc ấy, hai tiếng Tổ quốc linh thiêng và gần gũi hơn bao giờ hết- Mai Phương nhớ lại. Gần đến đảo, cả tàu đứng nghiêm trang để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Cả đoàn lặng người khi bản Quốc ca vang lên hùng tráng, hào sảng. Từng lời hát, từng nốt nhạc như ngấm vào tận huyết quản. Run run trong niềm xúc động đến tột cùng, các thành viên trong đoàn thành kính thả vòng hoa in dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ" gửi gắm bao thương yêu, lòng biết ơn của những người đang sống đến với những anh hùng liệt sỹ đã nằm lại nơi biển cả.
Tốc Tan là một đảo chìm. Cách đảo không xa, các phóng viên được bố trí xuống xuồng cập đảo. Khi chiếc ca nô còn chưa tới rặng san hô nơi chân đảo đã thấy cán bộ, chiến sỹ quân phục chỉnh tề đứng nghiêm trước thềm đảo đón đoàn, cảnh tượng thật xúc động. "Cánh phóng viên chúng tôi, những người đã chịu sóng gió suốt mấy ngày lênh đênh trên biển cũng thấy lòng dịu lại"- Mai Phương xúc động. Còn đối với các chiến sỹ trên đảo, thời điểm ấy là lần thứ 2 trong năm các chiến sỹ mới gặp người trong đất liền ra thăm. Bởi thế mà hơn cả nghi lễ xã giao, các chiến sỹ đón đoàn như thể đón chính người thân của họ trở về sau nhiều năm xa cách. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra thật xúc động. Mỗi chiến sỹ, mỗi thành viên trong đoàn đến từ một miền quê, ấy vậy mà cái khoảng cách, cái khác biệt vùng- miền, cái lằn ranh cũ- mới ấy dường như không tồn tại. Chỉ còn tiếng hỏi thăm nhau, chăm sóc cho nhau sau một hành trình dài, vất vả. "Tốc Tan là đảo chìm, mọi sinh hoạt của chiến sỹ trên đảo chỉ gói gọn trong hai khu nhà nhỏ ba tầng xây chênh vênh trên thềm san hô. Các vật dụng sinh hoạt trên đảo được trang bị tương đối đầy đủ nhưng theo các chiến sỹ, cái họ thiếu nhất là tình cảm. Dù vậy các cán bộ, chiến sỹ vẫn động viên nhau, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và thật may mắn cho cánh phóng viên, chúng tôi đã ghi lại được những bức hình chân thực nhất, truyền tải được nhiều thông tin nhất về nghị lực của các chiến sỹ. Chúng tôi nhanh chóng tác nghiệp và nỗ lực gửi các tác phẩm về tòa soạn một cách nhanh nhất để mọi độc giả quê nhà có thể hiểu hơn về cuộc sống của các chiến sỹ nơi đảo chìm khi năm mới đang cận kề "- nhà báo Minh Đường chia sẻ.
Những trải nghiệm trong hành trình đến với đảo xa của hai phóng viên Minh Đường và Mai Phương thì nhiều lắm. Nhưng với hai anh, câu chuyện của những tân binh và những người hết nghĩa vụ trở về đất liền bao giờ cũng bùi ngùi xúc động và để lại nhiều cảm xúc. Những cậu tân binh trẻ măng, trắng trẻo nghe những đồng đội chuẩn bị hết nghĩa vụ kể về cuộc sống, công việc ở đảo mà như nghe lời rủ rỉ dặn dò của một người anh cả trước khi vắng nhà...
Hai lần ra đảo, vẹn nguyên một cảm xúc
Trong số những nhà báo thuộc các cơ quan báo chí tỉnh Ninh Bình từng được tác nghiệp ở đảo thì phóng viên Minh Nguyệt (phòng Thời sự, Đài PT-TH Ninh Bình) là nhà báo nữ duy nhất cho đến thời điểm này. "Tôi có may mắn được tác nghiệp ngoài đảo hai lần. Lần đầu vào năm 2014, tôi và phóng viên Dương Việt Cường (phòng Thời sự, Đài PT-TH Ninh Bình) tác nghiệp ở Nhà giàn DK1 và đầu năm 2015, tôi và Đức Lập được ra tác nghiệp tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Hai lần ra đảo nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên một niềm cảm xúc"- nhà báo Minh Nguyệt chia sẻ.
Và vẫn là những mệt mỏi do say sóng triền miên trong suốt chuyến đi, vẫn là những khó khăn khi phải tác nghiệp ở nơi đầu sóng, ngọn gió… ấy vậy mà khi được lên Nhà giàn, cảm giác say sóng lại biến mất. Không ai bỏ lỡ cơ hội tác nghiệp, người cầm máy ảnh, người cầm máy quay phim… ai cũng cố chọn cho mình những góc hình như ý để ghi lại những khoảnh khắc đời thường chân thực nhất của các cán bộ, chiến sỹ nhà Giàn trong việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng bởi đã từng đi tác nghiệp ở Nhà giàn nên trong suốt hành trình đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhà báo Minh Nguyệt có đủ kinh nghiệm để chủ động tác nghiệp. Minh Nguyệt nói, chị vẫn nhớ như in từng chi tiết về hình ảnh sừng sững giữa trùng khơi, các công trình Nhà giàn cắm sâu vào lòng biển, vững chãi, hiên ngang giữa đất trời; hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ dầm dưới nước biển ngang ngực để giữ xuồng, đưa giúp các thành viên lên đảo, xuống xuồng đảm bảo an toàn mà tươi vui, hớn hở như thể đón người thân lâu ngày mới gặp mặt…
Để rồi, khi xuồng đã ra xa, những người lính đảo vẫn lặng đứng đó, khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, vừa ánh lên vẻ cương nghị, rắn rỏi, vừa thể hiện niềm quyến luyến và đăm đắm dõi theo như gửi gắm mọi nỗi nhớ mong về với đất liền. Trong giờ phút ấy, một số phóng viên trẻ, nhất là phóng viên nữ có mặt trên xuồng lặng lẽ nhìn nhau, rồi lặng lẽ quay đi, ngước về phía tít tắp nơi trời nước gặp nhau. Trong nhạt nhòa nước mắt, đảo xa dần. "Chưa xa, mà tôi đã nhớ đảo lắm. Trong chuyến đi, chúng tôi có dịp gặp chiến sỹ Bình - quê ở xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn - nhà báo Minh Nguyệt tiếp tục câu chuyện. Cậu lính trẻ người nho nhỏ mà lanh lẹ, rắn rỏi, đặc biệt là rất yêu đời, đậm chất lính. Ngày chúng tôi gặp Bình, cậu là lính "mới toanh" ở Nhà giàn DK1. Bình kể, từ ngày còn học phổ thông trung học, em đã yêu lắm màu xanh áo lính. Tốt nghiệp THPT, Bình tình nguyện lên đường nhập ngũ, rồi Bình được điều động ra nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1. Những ngày đầu mới ra biển Bình cũng buồn, cũng nhớ nhà lắm. Nhưng biển xanh cũng là máu, là thịt của Tổ quốc ta.
Những ngày tháng ở Nhà giàn, em được nghe đồng đội kể nhiều về những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ hải quân. Tình yêu mãnh liệt với biển, đảo quê hương của những thế hệ cha anh chính là động lực lớn để em vượt qua mọi khó khăn, thách thức ban đầu. Và, chẳng biết tự bao giờ, cái nắng, gió mặn mòi của biển cả đã trở thành một phần quan trọng trong trái tim em. Lúc chia tay, Bình trầm ngâm nói với tôi rằng: "Chị về đất liền, nếu có dịp chị đến nhà em chơi nhé. Chị nhắn nhủ với gia đình em rằng em khỏe lắm, khỏe hơn ngày còn ở nhà cơ. Bố mẹ cứ yên lòng, em sẽ cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ. "Trên suốt hành trình trở về đất liền, chẳng hiểu vì biển đã hiền hòa hay sóng ở trong lòng tôi lớn hơn mà tôi và các đồng nghiệp không còn cảm giác say sóng nữa. Tôi chỉ còn thấy hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, trong thẳm xanh của đất trời và biển cả. Và từ trong trái tim, tôi vẫn thấy các chiến sỹ trẻ hành quân, bắt đầu một ngày mới, một nhiệm vụ mới bằng tất cả sức trẻ,tình yêu bao là với biển, đảo quê hương. Mặc dù đã trở về đất liền nhưng tôi hiểu những ai đã từng được đặt chân đến đảo đều neo lại nơi đảo xa một tình yêu, một niềm tin vào những chiến sỹ quả cảm"- nhà báo Minh Nguyệt xúc động.
Đào Hằng