Năm 1953, mới 16 tuổi và đang là học sinh trường phổ thông cấp 2 - 3 Hoa Lư, bác Lê Kim Toàn (quê ở xã Thanh Lạc, huyện Nho Quan) nhận được giấy gọi nhập ngũ. Huấn luyện trong một thời gian ngắn, bác Lê Kim Toàn được bổ sung vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 8, Đại đoàn 316 và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có bác Trần Đình Thiện (quê ở xã Gia Phong, huyện Gia Viễn). Nhập ngũ tháng 12-1953, huấn luyện xong, bác Thiện cùng đơn vị hành quân vào Điện Biên Phủ.
Bác Lê Kim Toàn và Trần Đình Thiện nhớ lại: Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất của quân đội ta chiến đấu với quân đội Liên hiệp Pháp diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Thực dân Pháp đã chọn Điện Biên Phủ - một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi phía Bắc làm căn cứ quân sự. Trong chiến dịch thu - đông năm 1953 - 1954, địch bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng, chia thành 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng ở ngay giữa Mường Thanh.
Theo bác Lê Kim Toàn và bác Trần Đình Thiện, sau một thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tinh thần chiến đấu của anh em chiến sỹ rất cao, luôn trong tư thế tiến công, không ngại gian khổ, hy sinh. Bác Trần Đình Thiện cho biết: "Thời cơ đã chín muồi, từ ngày 13-3-1954, quân đội ta mở đợt tiến công đầu tiên tiêu diệt phân khu phía Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đại đoàn 312 tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Trong trận Him Lam, 15 giờ ngày 13-3, các đơn vị của Đại đoàn 312 chúng tôi bắt đầu tiến ra trận địa xuất phát xung phong … Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn 2 cứ điểm kiên cố nhất của địch là Him Lam và Độc Lập, sau đó làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch và tiêu diệt tiểu đoàn Bản Kéo, mở thông cửa vào tập đoàn trung tâm cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của thực dân Pháp, bộ đội ta đã áp dụng chiến thuật "vây lấn" rất có hiệu quả bằng hệ thống chiến hào. Bộ đội ta đã đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của địch. Các chiến hào này tránh cho quân tiến công thương vong vì pháo binh và không quân và vào sát được vị trí của quân đối phương, làm bàn đạp tấn công rất thuận lợi. Suốt ngày đêm, bộ đội ta vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của thực dân Pháp bị thu hẹp hết mức.
Đêm 1-5-1954, ta mở đợt tiến công thứ 3. Quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 3-5-1954, bộ đội ta chỉ cách Sở chỉ huy của địch 300m. 17 giờ 30 phút, những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào Sở chỉ huy địch. Tướng Đờ -cát -tơ-ri và toàn bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
Đối với hai cựu chiến sỹ Điện Biên Lê Kim Toàn và Trần Đình Thiện, dù thời gian đã cách xa hơn nửa thế kỷ, nhưng những ký ức của 56 ngày đêm "ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn là niềm tự hào, là ký ức đẹp trong cuộc đời mỗi chiến sỹ Điện Biên. Và tấm huy hiệu chiến sỹ Điện Biên trên ngực áo của mỗi cựu chiến binh năm xưa luôn nhắc nhớ về thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân ta, nhắc nhớ về tầm vóc vĩ đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm 1954.
Ngọc Minh