Ngôi nhà nhỏ của ông Đỗ Hữu Tưởng nằm khuất nẻo trong một con ngõ dài. Mới từ sáng sớm, từ ngôi nhà nhỏ ấy đã rộn rã tiếng nói cười, tiếng nhạc cụ vang réo rắt và cả những giọng hát chèo tuy đã trầm đục theo thời gian nhưng vẫn đủ làm say mê, thổn thức lòng người nghe... Những hàng xóm sống xung quanh nhà ông Tưởng nói rằng, chẳng phải có sự kiện gì đặc biệt cả, mà đó chỉ là hoạt động gần như thường xuyên của gia đình và bè bạn ông Tưởng vào mỗi ngày chủ nhật hàng tuần. Những buổi sinh hoạt âm nhạc đó thu hút những người yêu nhạc, biết chơi nhạc và cũng có cả những người không biết nhạc nhưng vì yêu, vì say mà đến.
Một trong những khách làng xa nhưng lại đến thăm ông Tưởng sớm nhất đó là bác Nguyễn Cao Xuân. Bác Xuân nhà ở tận xóm Bắc, xã Khánh Lợi và bác cũng là nhạc công chính trong CLB hát chèo của Khánh Lợi. "Vì cây nhị gặp vấn đề mà mấy ngày nay, đội chèo xóm Bắc của chúng tôi phải ngừng tập luyện. Tuy nhiên, tôi lựa chọn ngày chủ nhật để mang cây nhị đến nhà bác Tưởng để vừa là sửa, vừa là để gặp gỡ những người có chung niềm đam mê nhạc cụ dân tộc ở các nơi tìm về. Chúng tôi vừa thưởng thức tiếng đàn, tiếng nhị của những nhạc cụ mà bác Tưởng mới hoàn thành vừa cùng nói chuyện về âm nhạc, về cách sử dụng và chơi nhạc cụ hay nhất"- bác Xuân vui vẻ nói.
Vừa "bắt bệnh" cho cây nhị của bác Xuân, ông Tưởng vừa chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đưa một công nhân cơ khí về hưu đến với công việc chế tác nhạc cụ dân tộc. Ông Tường bảo, mình may mắn được sinh ra ở "cái nôi" của nghệ thuật chèo, các thành viên trong gia đình ông cũng đắm đuối về môn nghệ thuật này. Từ nhỏ, ông đã được đắm mình trong âm điệu phát ra từ các nhạc cụ dân tộc mà thế hệ cha ông chơi. Đó là tiếng trống như thúc giục, tiếng nhị véo von, tiếng đàn nguyệt…những âm thanh ấy cứ theo thời gian mà neo vào lòng cậu bé Tưởng những cảm xúc không gì thay thế được. Khi nghỉ hưu vào năm 1993, ông về tham gia lao động sản xuất cùng gia đình. Cuộc sống của nhà nông bận rộn quanh năm, vậy nhưng mỗi lúc rảnh rang bà con lại tập hợp nhau lại cùng cất tiếng hát, ôn luyện lại những điệu chèo cổ.
Dưới gốc đa, sân đình những người đàn ông thì chơi đàn, các chị phụ nữ thì cất tiếng hát hoặc hóa thân vào các nhân vật trong các vở chèo cổ… làm rộn ràng không khí của làng quê. Ông Tưởng bảo, để làm được một nhạc cụ hoàn hảo thì có nhiều yếu tố và không thể coi nhẹ một khâu nào, nhưng cơ bản vẫn là phải biết cách lựa chọn loại gỗ và da cho phù hợp. Tuy máy móc ngày càng hiện đại song nếu tỉ mẩn, tự tay mình đục, đẽo như một gã thợ mộc chính hiệu thì sản phẩm đó vẫn độc đáo hơn. Khi hoàn chỉnh được một sản phẩm thì khâu quan trọng cuối cùng là phải có đôi tai sành nhạc để thẩm âm cho chuẩn. Khi ấy, ông Tưởng lại tất bật mời các "chiến hữu" đến để nghe nhạc và góp ý cho sản phẩm mới. Các sản phẩm của ông phong phú dần, không chỉ làm nhị, ông còn chế tạo thành công trống, đàn nguyệt được dân trong nghề đánh giá cao.
Bà Đào Thị Gấm là người bạn đời của ông Tưởng. Không chỉ cùng ông chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống mà bà cũng là một "cộng sự" đắc lực của ông Tưởng trong quá trình chế tạo nhạc cụ, nhất là từ khi ông Tưởng bị bệnh nan y. "Sức khỏe của ông ấy giảm sút vì vậy tôi trở thành "cánh tay" theo đúng nghĩa đen để giúp ông ấy làm nhạc cụ. Bởi lẽ làm nhạc, có những công đoạn cần sự khéo léo, tỉ mẩn nhưng cũng có nhiều công đoạn người làm phải dùng sức lực như lúc níu trống. Từ khi ông ấy bị bệnh, gia đình khuyên ông nghỉ ngơi nhưng ông ấy không nghe. Ông ấy bảo còn sức thì ông ấy vẫn làm. Mà cũng chỉ có nhạc cụ mới giúp ông ấy vơi đi nỗi đau bệnh tật"- bà Gấm chia sẻ. Và quả đúng như vậy, như lời ông Tưởng nói thì trong suốt hành trình điều trị căn bệnh ung thư phổi quái ác, ngoài tình cảm gia đình thì chính những cây đàn đã giúp ông chiến thắng được bệnh tật. Suốt những tháng năm dài chịu cơn đau của những đợt xạ trị hóa chất, tâm hồn ông vẫn ngập tràn niềm lạc quan. Bà Gấm bảo, những lần đi bệnh viện để thực hiện hóa trị, ông Tưởng vẫn mang theo chiếc nhị cho đỡ nhớ. Đến viện, chứng kiến biết bao cháu nhỏ đau đớn vì ung thư, ông ấy đã mang đàn ra chơi và bà thì lại cất tiếng hát các điệu chèo cổ. Những tiết mục ngẫu hứng ấy đã thực sự tạo nên sự thích thú cho các bệnh nhân cùng cảnh. Từ đó, như một thói quen, mỗi lần đi viện ông Tưởng đều xác định nhẹ nhàng như một chuyến đi biểu diễn để mang âm hưởng của nghệ thuật chèo đến với nhiều người, nhiều nơi.
Tuy chẳng nhớ nổi đã sửa và đã làm ra được bao nhiêu nhạc cụ, song niềm tự hào nhất của ông Tưởng là đã góp phần gìn giữ, lan tỏa được tình yêu âm nhạc truyền thống của quê hương Khánh Trung. Nhiều nghệ sỹ của Nhà hát chèo Ninh Bình cũng tìm về tận nơi để gặp gỡ và trò chuyện với người làm nhạc cụ đặc biệt này. Dày công mày mò, nghiên cứu và đúc rút cho mình những bí quyết riêng để làm nhạc cụ, song ông Tưởng nói, ông vẫn sẵn sàng mang bí quyết đó để truyền dạy lại cho bất kì ai muốn đến học. Bởi chỉ khi tình yêu âm nhạc được lan tỏa rộng rãi thì các nhạc cụ dân tộc mà ông đam mê đeo đuổi mới có thêm cơ hội được bảo tồn, gìn giữ.
Bài, ảnh: Đào Hằng