Quang Sơn còn thì Quảng Trị còn
Hôm chúng tôi tới thăm gia đình đại tá Trần Minh Vân tại thôn Quyết Thắng, xã Yên Bình (thị xã Tam Điệp), bác Vân không được khỏe. Hơn 30 năm nay bác phải sống chung với nhiều mảnh đạn nằm trong cơ thể nên sức khỏe giảm sút nhiều, biến chứng sang một số bệnh khác. Tuy nhiên, khi kể cho chúng tôi nghe những kí ức hào hùng của một thời hoa lửa, bác Vân bỗng trở nên hào hứng, sôi nổi.
Khi mới 16 tuổi, chàng trai Trần Minh Vân quê ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đã gia nhập Quân giải phóng, chiến đấu và giải phóng quê hương. Năm 1968, bác Vân được chuyển ra miền Bắc điều trị vết thương, sau đó đi học ở Học viện Lục quân. Năm 1970, bác trở lại chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Cuối năm 1971 bác về chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 320B. Tháng 2 năm 1972, Trung đoàn 48 của bác Vân được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bạn tấn công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch tiến vào giải phóng Đông Hà, sân bay ái Tử, thị xã Quảng Trị, rồi tiến vào Tây Thừa Thiên - Huế.
Bác Vân nhớ lại: Đúng 11 giờ ngày 30-3-1972, hàng vạn quả đạn pháo của quân ta cấp tập trùm lên các căn cứ quân sự của địch tại Động Toàn, Ba Hồ, Đồi Tròn, Đầu Mầu, Điểm cao 544 ở phía Tây; đến Quán Ngang, Cửa Việt ở phía Đông; Dốc Miếu, Cồn Tiên ở phía Bắc; Đông Hà, ái Tử, thị xã Quảng Trị, La Vang ở phía Nam... khởi đầu cho chiến dịch lịch sử Quảng Trị năm 1972 - một chiến dịch kéo dài và ác liệt bậc nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1- Trung đoàn 48, tôi đã cùng đồng đội chiến đấu gan dạ, kiên cường trong trận đánh điểm cao 88, 3. Trận đánh đó, Tiểu đoàn đã tiêu diệt một đại đội địch và bắt sống 26 tên. Sau khi đánh chiếm điểm cao 88,3, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đoàn đánh chiếm Cồn Tiên, đánh sập cầu Lai Phước, tổ chức đơn vị vây ép sân bay ái Tử. Sân bay được phòng ngự vòng ngoài vững chắc, kiên cố cùng với 12 lớp rào và 3 giao thông hào. Tôi đã chỉ huy đơn vị cơ động tiến thẳng vào sân bay. Trong khi hỏa lực của ta bắn mạnh, tôi đã bị mất liên lạc với đơn vị. Tôi đã trèo lên ụ chắn máy bay ra tín hiệu cho pháo binh của ta chuyển bắn, đồng thời chỉ huy đơn vị xung phong đánh chiếm sân bay ái Tử. Với những chiến công đó, tôi đã được Mặt trận tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Trung đoàn.
Hơn 30 ngày sau ngày mở màn chiến dịch, quân ta đã vượt sông Bến Hải, phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược Mắc - Na-ma-ra, đánh chiếm và đập tan các cứ điểm 544, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, làm chủ đường số 9..., giải phóng Đông Hà - Ái Tử, buộc quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị được giải phóng vào ngày 2-5-1972.
Bị mất một hệ thống phòng thủ vào bậc nhất mà Mỹ - ngụy vẫn thường huênh hoang là "bất khả chiến bại" của chính quyền Sài Gòn, và để vớt vát chút thể diện trên bàn đàm phán ở hội nghị Pa -ri, địch sống chết tập trung binh lực hòng "tái chiếm" những vùng đã mất, trọng tâm là thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến nảy lửa ở Thành cổ Quảng Trị đã diễn ra trong 81 ngày đêm khói lửa, kéo dài cho đến khi Hiệp định Pa -ri được ký kết vào đầu năm 1973.
ở chiến trường Quảng Trị, bác Vân đã tham gia chiến đấu trên 300 trận đánh, lập nhiều chiến công oanh liệt, bị thương 14 lần và được mang biệt danh "Triệu Tử Long". Đồng đội của bác nói rằng, trong thời kỳ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tuy bị thương nhiều lần nhưng đồng chí Vân không rời trận địa, luôn ở vị trí tiền tiêu để nắm địch, chỉ huy chiến đấu và trực tiếp chiến đấu cùng đồng đội. Trung đoàn 48 của bác Vân được mang kí hiệu "Trung đoàn Quang Sơn". Vì thế, khi chốt giữ Thành cổ, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn luôn có khẩu hiệu như một lời thề trước khi xung trận: "Quang Sơn còn thì Quảng Trị còn".
Người con của Trung đoàn
Là một chiến sỹ trinh sát chiến đấu tại Thành cổ, Trung tá Trần Diệp (Hội Cựu chiến binh thị xã Tam Điệp) đã được chứng kiến một câu chuyện cảm động về người con nuôi của đại tá Trần Minh Vân. "Thời kỳ đó là đầu tháng 7 năm 1972, cuộc chiến giữa ta và địch trên chiến trường Quảng Trị đang vào giai đoạn đỉnh điểm khốc liệt. Đâu đâu cũng nồng nặc mùi bom đạn. Sáng ngày 8-7-1972, trên đường từ Thành cổ về Sở chỉ huy tuyến sau, khi qua làng Kim Mỹ, xã Triệu ái vừa bị máy bay B52 thả bom rải thảm, giữa chi chít hố bom, những mảnh gỗ đang cháy dở..., Trung đoàn phó Trung đoàn 48 Trần Minh Vân chợt phát hiện một khoảnh đất rung động. Bác gạt nhẹ lớp đất cát và thấy một bé gái khoảng 3-4 tuổi da tím tái, bị gãy chân phải đang thoi thóp thở. Bác vội vàng băng bó cho cháu bé và bế cháu chạy về hầm của Trung đoàn. Các chiến sỹ quân y đã hết lòng cứu chữa cho cháu. Khi làm hồ sơ bệnh án cho cháu bé, bác Vân lấy tên họ của mình và địa danh nơi Trung đoàn đang đóng quân làm tên cho cháu. Thế là cái tên Trần Thị Trà Liên được đăng ký vào hồ sơ của cháu. Nhờ sự chăm lo nuôi dưỡng của anh em trong Trung đoàn, sức khỏe của cháu Trà Liên đã dần hồi phục. Không thể giữ cháu ở Trung đoàn vào thời kỳ quyết liệt, bác Vân phải đưa bé Trà Liên về bệnh xá huyện Cam Lộ và từ đó bé được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc.
Sau khi đất nước được giải phóng, có dịp về lại Quảng Trị là bác Vân lại sắp xếp thời gian đi tìm cháu Trà Liên, đồng thời nhờ bạn bè tìm giúp. Năm 1981, qua một người bạn cùng học tại Học viện Quân sự về công tác tại Quân khu 9, bác Vân đã tìm lại được cháu Trà Liên năm xưa hiện đang sinh sống tại tỉnh An Giang. Năm 2007, anh Vân được gặp lại Trà Liên - người con nuôi của bác và là "Người con của Trung đoàn 48".
Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường, bác Vân đã gặp và kết duyên cùng nữ chiến sỹ quân y Phạm Thị Nguyên, quê ở xã Gia Thắng (huyện Gia Viễn). Vợ chồng bác Vân sinh được 5 người con, trong đó 3 người con của bác đều công tác trong Quân đội. Bác Vân tâm sự: "Từ ngày về nghỉ hưu, hầu như năm nào tôi cũng cùng đồng đội trở lại chiến trường Quảng Trị. Nơi ấy, một thời máu lửa, một thời đạn bom khốc liệt luôn in đậm trong trí nhớ của tôi và biết bao đồng đội". Trở về từ chiến trường Quảng Trị, bác Vân được đi học tại Học viện quân sự cấp cao, rồi về Sư đoàn 308, làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312. Năm 1988, bác Vân về làm Hiệu trưởng Trường Quân sự Binh đoàn Quyết Thắng và nghỉ hưu năm 1991. Gắn bó với mảnh đất Tam Điệp hơn 20 năm qua, bác Vân luôn coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Năm nay, gia đình bác Vân được Bộ Tư lệnh Binh đoàn Quyết Thắng xây tặng ngôi nhà "Nghĩa tình đồng đội", dự kiến khánh thành vào tháng 7. Đây cũng là món quà đặc biệt dành tặng cho những cống hiến lớn lao của bác Vân đối với nền độc lập của dân tộc.
Ngọc Minh