Gần 7 giờ sáng, bản Bình Phú, xã Phú Long (huyện Nho Quan) còn chìm khuất trong làn mưa bụi trắng xóa, chị Quách Thị Quỳnh, nhân viên y tế của bản đã sửa soạn hành trang để đi kiểm tra sức khỏe cho một người dân thuộc diện tự cách ly tại nhà.
"Người dân này không trở về từ vùng dịch, nhưng việc di chuyển giữa các địa phương cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, bởi vậy địa phương đã yêu cầu đối tượng tự cách ly tại nhà, có sự giám sát sức khỏe chặt chẽ của y tế cơ sở. Chúng tôi thường xuyên đến kiểm tra sức khỏe, động viên tinh thần và tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên khác trong gia đình cách phòng dịch đúng cách. Đến nay, việc cách ly đã đủ thời hạn 14 ngày, nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích đối tượng hạn chế đi ra ngoài, tự theo dõi sức khỏe thêm một thời gian nữa."- chị Quỳnh nói và khởi đầu hành trình cho một ngày làm việc mới của mình.
Bà Quách Thị Nhàn, thành viên trong gia đình có trường hợp thực hiện cách ly tại nơi cư trú cho biết: Con tôi đi làm ở Nam Định và trở về nhà từ ngày 28/3. Tuy không phải trở về từ vùng dịch, nhưng đồng bào ở đây khá cảnh giác, họ yêu cầu phải đưa con trai tôi đi cách ly tập trung. May có chị Quỳnh, là nhân viên y tế của bản giải thích cụ thể những trường hợp nào phải đi cách ly tập trung và con trai tôi không thuộc diện phải đi cách ly tập trung nên bà con đã hiểu và động viên gia đình…
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, những câu chuyện khó xử như trường hợp của gia đình bà Quách Thị Nhàn không phải là hiếm gặp và chị Quỳnh đã có đủ kinh nghiệm để xử lý linh hoạt trong những trường hợp ấy. Chị Quỳnh chia sẻ: Tuy không được tiếp cận nhiều với các thiết bị điện tử thông minh, nhưng đồng bào trong bản cũng rất quan tâm cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19, từ đó có biện pháp phòng dịch. Chúng tôi đã phải đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền cho đồng bào hiểu đúng về dịch và có cách phòng dịch đúng, không kỳ thị những người thuộc diện cách ly…
Một thành công của chị Quỳnh trong suốt hơn 20 năm làm y tế thôn bản, đó là vận động được các sản phụ ra Trạm Y tế xã để sinh nở thay vì tập tục tự sinh con ở nhà như trước đây. Nhận rõ những nguy hiểm tiềm ẩn khi sản phụ tự sinh con, chị Quỳnh đã kiên trì vận động, phân tích để đồng bào hiểu và chú ý chăm sóc thai phụ trong suốt quá trình mang thai, đồng thời ra Trạm y tế xã sinh con khi chuyển dạ.
Nhiều năm qua, tại bản Bình Phú không còn tình trạng sản phụ tự sinh con tại nhà, không có trường hợp nào bị tai biến sản khoa. Trước đây, việc tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi ở đây cũng hết sức khó khăn, do đồng bào lo sợ rằng sau khi tiêm, con cháu mình sẽ bị còi cọc, chậm lớn… Rồi với phương châm "mưa dầm thấm lâu", chị Quỳnh đã kiên trì vận động, thuyết phục các gia đình thay đổi nếp nghĩ và dành sự quan tâm, chăm lo tốt nhất cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.
Năm nay tròn 43 tuổi, chị Quách Thị Quỳnh gắn bó với công việc của một nhân viên y tế thôn bản từ khi mới là thiếu nữ ngoài đôi mươi khi thù lao công tác mới chỉ 12 nghìn đồng. Hơn 20 năm qua, chị Quỳnh lập gia đình, sinh hai đứa con và cố gắng nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi.
Khoản tiền công tác cũng đã tăng lên trên 700 nghìn đồng/tháng, song chưa bao giờ khoản thu nhập ấy đủ để chị Quỳnh trang trải chi phí cho sinh hoạt của gia đình. Ấy thế, nhưng chị Quỳnh vẫn gắn bó và không có ý định bỏ việc giữa chừng. Bởi với chị, được mang những kiến thức mới trong chăm sóc sức khỏe cho đồng bào của mình, giúp đồng bào mình sống khoa học hơn, khỏe mạnh hơn, đó là niềm hạnh phúc không có gì so sánh được. Để chăm lo tốt hơn cho các con, vợ chồng chị Quỳnh trồng 2ha dứa, mía và sắn. Cuộc sống không dư dả nhưng cũng đủ cho các con chị có điều kiện học tập và để chị tiếp tục làm công việc mà chị đã gắn bó hơn 20 năm qua.
Bác sỹ Nguyễn Viết Hậu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Long (huyện Nho Quan) cho biết: Chị Quách Thị Quỳnh là một trong 10 nhân viên y tế thôn, bản của xã Phú Long, với nhiều năm tuổi nghề, có kinh nghiệm và được đồng bào tin tưởng, yêu mến. Với hoạt động tích cực, chị Quỳnh và đội ngũ y tế thôn, bản đã thực sự là "cánh tay nối dài" của tuyến y tế cơ sở, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.
Đào Hằng