Đúng 8h ngày 17-4-2013, các thành viên của đoàn công tác đã có mặt trên tàu Trường Sa HQ 571 của vùng 4 Hải quân, tàu xuất phát từ cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, đảo Song Tử Tây có hình bầu dục đã dần hiện rõ trong ống kính của chúng tôi. 5giờ 50 phút ngày 19-4-2013, tàu chúng tôi neo tại vùng biển gần đảo Song Tử Tây, đây là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác. Một số đồng chí trong đoàn được cử đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ trên đảo chìm Đá Nam.
8giờ 30 phút, chúng tôi đến đảo Song Tử Tây. Ngay từ bến xuồng, chúng tôi đã được một số cán bộ, chiến sỹ của đảo đón chào với thái độ ân cần, tình cảm thân thiết như những người thân yêu lâu ngày được gặp lại. Sau những giây phút thăm hỏi, hàn huyên, công việc đầu tiên của đoàn là hàng ngũ chỉnh tề cùng quân, dân trên đảo làm lễ chào cờ tại sân vận động có bia chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam...
Bài Quốc ca do quân, dân trên đảo cùng đoàn công tác hát trực tiếp trong giờ phút chào cờ cất lên vô cùng trầm hùng, thiêng liêng. Một chiến sỹ thay mặt cho các chiến sỹ đọc 10 lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam. Sau mỗi lời thề, tiếng hô "xin thề" của toàn bộ cán bộ, chiến sỹ trên đảo lại được vang lên đanh thép. Mặc dù, dưới cái nắng chói chang trên đảo nhưng trong suốt thời gian các chiến sỹ thực hiện nghi lễ diễu binh, duyệt đội hình, tất cả mọi người đều nghiêm trang, tĩnh lặng trong giờ phút thiêng liêng ấy.
Tiếp đó, đoàn đến dâng hương tại tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng trên đảo. Đứng trước tượng đài uy nghiêm của người anh hùng dân tộc, mỗi thành viên của đoàn như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếp tục cuộc hành trình trên đảo, chúng tôi đến thắp hương tại chùa Song Tử Tây. Ngôi chùa khang trang, tọa lạc trên một vị trí đẹp cạnh bờ biển do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình đầu tư xây dựng. Buổi trưa hôm đó, quân và dân trên đảo đã mổ lợn do bộ đội tăng gia để chiêu đãi đoàn công tác.Với điều kiện trên đảo, bữa cơm như thế là rất thịnh soạn, đặc biệt nó càng thịnh soạn hơn bởi tấm lòng, tình cảm và sự đón tiếp chu đáo, ân tình của quân và dân trên đảo.
14 giờ ngày 19-4-2013, đoàn công tác cùng các hộ dân và đại diện các đơn vị trên đảo, một số cán bộ, chiến sỹ tập trung về hội trường của đảo. Tại đây, đoàn công tác được nghe đồng chí Đảo trưởng báo cáo kết quả hoạt động của đảo năm 2012 và quý I năm 2013. Tiếp đó, các đơn vị của đoàn công tác tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo Song Tử Tây. Kết thúc buổi làm việc trên hội trường là chương trình giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác và quân, dân trên đảo.
Những giọng hát chuyên nghiệp của đoàn văn công phòng không không quân, đoàn văn công tỉnh Quảng Bình, đội văn nghệ xung kích tỉnh Tuyên Quang hòa lẫn những lời ca, tiếng hát mộc mạc, chân thành, nhiệt huyết của các chiến sỹ trên đảo làm cho tình cảm giữa quân với dân, giữa đất liền với hải đảo càng thêm gắn bó, sâu nặng. Đặc biệt, tiết mục biểu diễn của các cháu thiếu niên, nhi đồng trên đảo làm cho cả hội trường sôi động hẳn lên. Tất cả đứng dậy vỗ tay, cùng hát bài "Trái đất này là của chúng mình". Sau buổi lễ trồng cây trên đảo, đến 16 giờ 30 đoàn công tác trở về tàu để tiếp tục cuộc hành trình.
Từ ngày 18-4 đến 24-4, đoàn công tác lần lượt đến thăm 3 đảo nổi, đó là: đảo Sơn Ca, xã đảo Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa và 6 đảo chìm, đó là các đảo: Đá Thị, Len Đao, Đá Đông, Đá Tây A, Đá Tây C, Đá Lát. Thăm 2 nhà giàn ở thềm lục địa của nước ta là Nhà giàn CK 1 - 11, Nhà giàn CK 1 - 14. Tất cả các đảo và nhà giàn mà đoàn đến thăm đều được cán bộ, chiến sỹ nơi đây đón tiếp niềm nở, chu đáo, ân cần.
Đoàn công tác lần lượt được nghe báo cáo kết quả hoạt động của đảo, nhà giàn; thăm hỏi, động viên, tặng quà và giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tại các nơi mà đoàn đến. Tranh thủ khoảng thời gian mà đoàn công tác không làm việc tập trung, tôi đã đi thăm các công trình trên đảo, thăm nơi ăn ở của bộ đội, thăm các hộ dân, thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ, tận mắt thấy nơi trồng rau, nơi chăn nuôi gia súc trên đảo. Đến nơi nào cũng vậy, ngoài thăm hỏi chung, tôi đều đi tìm các chiến sỹ là con em Ninh Bình đang công tác trên đảo.
Tôi đã gặp, thăm hỏi, nói chuyện cùng 12 chiến sỹ hải quân là con em tỉnh nhà đang công tác tại ba đảo nổi và hai đảo chìm. Mặc dù, đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau nhưng tình cảm giữa đất liền với hải đảo, tình cảm của những người đồng hương giữa biển khơi ngàn trùng làm cho chúng tôi gần gũi, thân thương như những người ruột thịt.
Trên hành trình của chuyến đi công tác, đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm tại khu vực đảo Len Đao vào chiều ngày 21-4-2013 để tưởng nhớ tới 64 chiến sỹ hải quân đã anh dũng hy sinh khi chống lại sự xâm chiếm đảo Gạc Ma của quân đội nước ngoài và lễ tưởng niệm tại khu vực Nhà giàn DK 1 - 14 vào chiều ngày 24-4-2013 để tưởng nhớ tới các chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn trong cơn bão tháng 12 năm 1990 và tháng 12 năm 1998. Buổi lễ diễn ra đầy trang nghiêm và xúc động với nghi lễ truyền thống của những người đi biển.
Chuyến đi thực tế tại Quần đảo Trường Sa lần này không dài nhưng đọng lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc về một Trường Sa nắng gió mà vững vàng trong phong ba; về những con người của Trường Sa chân thành, nồng hậu mà bản lĩnh kiên cường; một chuyến đi mang đầy ý nghĩa, không thể mờ phai trong suy nghĩ và tâm tưởng của mình:
- Một là: Chuyến đi giúp tôi càng thấy được giá trị to lớn, ý nghĩa hết sức quan trọng của biển, đảo, thềm lục địa đối với nước ta, đối với mỗi người dân nước Việt. Tôi càng ý thức sâu sắc hơn sự thiêng liêng đối với từng tấc đất của Tổ quốc, đặc biệt ở hai Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - thuộc chủ quyền của Việt Nam và các vùng biển của nước ta theo quy định của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.
- Hai là: Mặc dù đất nước ta còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành bằng mọi biện pháp, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đã chăm lo xây dựng, củng cố để tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất cho các đảo, nhà giàn; chăm lo cho đời sống của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân nơi đây. Toàn bộ các đảo hiện nay đã có điện dùng năng lượng mặt trời, dùng sức gió; được phủ sóng điện thoại di động Viettel và truyền hình cáp.
Nhà ở, phòng ở của bộ đội được xây dựng khang trang, tiện nghi tốt hơn. Nhà ở của dân khá kiên cố, tiện lợi cho sinh hoạt. Các đảo đều có hội trường, nhiều đảo có nhà khách, có sân bóng đá, sân bóng chuyền, bàn bóng bàn và một số thiết bị luyện tập thể dục, thư viện, phòng đọc sách. Các đảo đồng thời là trung tâm của các xã, thị trấn, được xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa, trường học. Nhìn cơ sở hạ tầng khang trang trên đảo tôi thấy lòng mình tràn đầy niềm tin tưởng, lạc quan, càng nhớ đến câu nói quen thuộc của các chiến sỹ Hải quân: "đảo là nhà, biển cả là quê hương".
- Ba là: Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã kiên cường bám trụ, vượt qua khó khăn xây dựng đảo ngày càng khang trang, vững mạnh. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thì cán bộ, chiến sỹ nơi đây còn giúp ngư dân bám thuyền, bám biển; các chiến sỹ đã tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống bộ đội. Tại đảo Sinh Tồn, năm 2012, bộ đội đã sản xuất được 7.500 kg rau xanh; 1,5 tấn cá; 2,3 tấn thịt.
Đó là con số rất ấn tượng! Tôi và tất cả các thành viên trong đoàn thật sự khâm phục tinh thần vượt khó của các chiến sĩ trên đảo. Trong điều kiện thời tiết khó khăn, đất đai cằn cỗi, nước ngọt khan hiếm, nhưng các chiến sỹ trên tất cả các đảo đã vượt qua khó khăn tìm mọi cách để trồng rau xanh, nuôi lợn, nuôi chó; có đảo nuôi ngan, vịt. Trên các đảo nổi, màu xanh được phủ kín bởi những cây bàng, bàng quả vuông, phong ba, phi lao...
- Bốn là: Với những điều tận mắt được chứng kiến, nghe được tại chuyến đi này, tôi càng tin tưởng vào ý chí của quân và dân ta, vào cơ sở pháp lý và tiềm lực của chúng ta trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
- Năm là: Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện, nhưng đời sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo còn không ít khó khăn; đặc biệt là cán bộ, chiến sỹ trên các đảo chìm còn khó khăn nhiều hơn. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo luôn mong mỏi và cần nhiều tình cảm, sự sẻ chia và tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa của đất liền.
22 giờ ngày 23-4-2013, Đoàn chia tay cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thị trấn đảo Trường Sa, các chiến sĩ trên đảo xếp thành hàng dài suốt cầu tàu để vẫy chào, những cánh tay của các chiến sỹ cố với lấy những cánh tay của cán bộ đoàn công tác đang ở trên mạn tàu. Tất cả cùng vang lên lời hát "Đời mình là một khúc quân hành" rồi "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" đến "Nối vòng tay lớn"... như không muốn dứt, như không muốn chia tay. Tàu của chúng tôi đã rời bến nhưng các chiến sỹ vẫn chưa quay trở lại doanh trại. Trong tôi trào dâng cảm xúc khó tả: mình cần phải làm gì để chuyến đi công tác tại hải đảo thực sự có ích, mình phải làm gì để góp phần nhỏ bé chia sẻ cùng quân và dân trên biển, đảo của Tổ quốc.
Ghi chép của Nguyễn Mạnh Trường
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)