Mưu sinh bằng sự cần mẫn
Nói vậy quả không sai bởi nếu không có sự tỉ mỉ, kỹ càng, cần mẫn thì người cắt tóc vỉa hè không thể bám trụ được với nghề ngang như làm dâu trăm họ này. Ông Thắng chia sẻ: Tưởng như đơn giản vì nhìn vào quán chỉ có gương, lược, cái tăng đơ, cái ghế xoay..nhưng để chiều lòng khách thì không dễ, để khách nhớ đến lại càng khó hơn. Vì là quán vỉa hè nên phục vụ khách bình dân là chủ yếu.
Anh thợ hồ đi làm, tiền công ngày được trăm nghìn đồng cũng dừng xe tranh thủ cắt vội cái tóc. Buổi sáng thong dong cụ già đạp xe dạo phố, ghé vào nhờ anh thợ quen sửa sang lại tóc tai. Những thanh niên trẻ cũng có thú vui tìm đến quán cắt tóc vỉa hè vừa để đỡ mất thời gian chờ đợi, vừa có thể chọn lựa được nhiều thợ cắt. Buổi chiều tan học, bà mẹ trẻ tranh thủ lúc chờ con gái nhỏ học ở Nhà thiếu nhi cho con trai lớn vào cắt tóc…
Muôn hình vạn trạng các loại khách, với mỗi loại người, thợ cắt tóc phải theo gu khác nhau, biết cách nói chuyện để khách đến rồi nhớ mà quay lại. Cứ như vậy, mùa này qua mùa khác, bằng sự cần mẫn của mình, ông Thắng cũng đủ trang trải cuộc sống. Ông tâm sự: Với nghề này, yếu tố cần mẫn, chăm chỉ, tận tâm luôn được xếp lên hàng đầu. Tuy nhiên, cắt tóc nam không khó và không cầu kỳ lắm bởi tóc nam không nhiều kiểu cách thời trang như tóc nữ.
Ông Thắng cho biết giá một lần cắt tóc là 25 nghìn đồng. Nếu cả cạo mặt, lấy ráy tai thì là 30 nghìn đồng. Túc tắc, trung bình 1 ngày, ông có 3-7 khách, ngày ít bù cho ngày nhiều. Với nghề cắt tóc vỉa hè vốn bỏ ra không nhiều nhưng yêu cầu phải cẩn thận, tỉ mẩn và như ông nói "lấy công làm lãi"... Ông Thắng bảo cắt tóc vỉa hè cũng "được hàng" theo mùa. Tết đến xuân về, quán cắt tóc vỉa hè đông khách lắm. Thậm chí khách phải chờ thợ. Khi đó, mỗi ngày ông có thể "bỏ túi" từ 200-300 nghìn đồng/ngày, làm không hết việc. Mùa hè nóng bức hay những ngày mưa phùn gió bấc, rét đậm rét hại, khách khứa thưa hẳn, thậm chí không có.
Buồn vui chuyện nghề...
Điều làm tôi nhớ ở ông Thắng "cắt tóc" là lúc nào trên môi ông cũng nở nụ cười rạng rỡ như xua tan đi bao lo toan, vất vả, mệt mỏi của khách. Ông cũng có sự hóm hỉnh, dí dỏm nên "giữ chân" được nhiều khách. Gần 20 năm gắn bó với nghề cắt tóc vỉa hè nên với ông những chuyện vui, buồn đều có cả. Ông kể để có thể mở được hàng cắt tóc vỉa hè con con như thế này, ông đã mất hơn 6 tháng để luyện nghề mặc dù ông tự thấy mình cũng có chút "năng khiếu": Lúc đầu là tập sử dụng tăng đơ. Nhiều lần do tập nhiều quá tay bị chuột rút đau lắm, nhưng tôi không cho phép mình nghỉ, hết đau phải tập tiếp. Khi đã quen với tăng đơ rồi thì chuyển sang tập với kéo, tuy có nhẹ hơn nhưng phức tạp ở chỗ phải khéo léo, không được để kéo đụng vào đầu khách, nếu không sẽ hỏng cả mái tóc. Trong quá trình tập luyện, mỗi ngày ông đều đem bộ dụng cụ cắt tóc về nhà và "mượn" những trẻ con hàng xóm để "thực tập". Vì được cắt tóc miễn phí nên hàng xóm luôn vui vẻ mỗi lần thấy ông "thực tập", chẳng mấy chốc mà tay nghề ông Thắng khá lên trông thấy. Gần một năm sau, ông đã có thể tự tin cầm kéo đứng cắt tóc cho khách.
Ông Thắng kể cho chúng tôi nghe về trường hợp ông Nguyễn Thanh Tuấn, đường Trần Hưng Đạo, khách hàng quen của ông hơn 10 năm nay. Ông Tuấn "theo" ông Thắng từ những ngày đầu ông khởi nghiệp. "Lần đầu tiên ông ấy đến chỗ tôi cắt tóc, ông ấy bảo ông muốn cắt kiểu gì cũng được, miễn là… đẹp. Tôi cắt xong ông ấy chưa ưng ý lắm. Một tuần sau ông ấy quay lại chỗ tôi và bảo, ông cắt đẹp đấy, ai về cũng khen tôi có "mái tóc" mốt thế.
Vậy là đều đặn mỗi tháng ông ấy đến chỗ tôi cắt tóc. Cái nghề cắt tóc vỉa hè của tôi chả sang trọng gì, cũng chưa chắc đã được mấy người chú ý nhưng có những vị khách như vậy, tôi thấy rất vui. Cũng là gom góp thêm chút an ủi cho những ngày vắng khách. Vì thế, ngày nắng, ngày mưa tôi đều chăm chỉ vác đồ nghề ra ngồi. Phần vì miếng cơm manh áo, phần nữa không đi làm cũng buồn. ở nhà lại sốt ruột, lỡ may có khách quen đến không gặp thì sao? Vì thế, tôi chả vắng mặt ngày nào.
Trầm tư một lúc, ông Thắng bảo: Những năm gần đây, khách cắt tóc ở vỉa hè đã vắng hẳn, phần lớn họ vào các tiệm tóc đàng hoàng để cắt vì ngại mưa nắng và bụi đường. Số còn lại chủ yếu là khách trung niên và bình dân, khách quen là chính nhưng tôi vẫn luôn gắn bó với nghề để được nói chuyện, được tâm sự, được thấy mình vẫn là người có ích.
Ông Thắng và nghề của ông khiến tôi nghĩ về những điều bình dị nhưng thanh cao, gợi nhớ về tuổi thơ, về quá khứ. Và dù nắng hay mưa, bàn gương kia vẫn in bóng trên vỉa hè đường phố...
Bài, ảnh: Đức Quỳnh