Kỳ 2: Hạn chế những hệ lụy xấu từ game online Mê mẩn sống trong thế giới ảo, những con nghiện game, thường là giới trẻ tìm mọi cách để có tiền chơi game. Game online đang trở thành một vấn nạn không nhỏ với cả xã hội, nhất là lứa tuổi học đường. Ngoài việc tự nâng cao ý thức bản thân và trách nhiệm từ phía gia đình, rất cần sự quản lý mạnh hơn từ phía các cơ quan chức năng đối với việc chấn chỉnh nhiều cửa hàng internet mở cửa quá thời gian quy định, "tạo điều kiện tối đa" cho học sinh chơi game như hiện nay.
Những câu chuyện buồn sau sức hút của game online
Đã có nhiều câu chuyện buồn sau sức hút của game online, bởi người chơi không nhận thức đầy đủ và bị cuốn theo "thế giới ảo" trong game đến mức bỏ học "vùi đầu" cả ngày ở quán "nét", dẫn đến việc sa sút học hành, sức khỏe. Nhiều em học sinh còn lấy tiền đóng học, tìm cách moi tiền của bố mẹ để thỏa mãn "cơn nghiện game" của bản thân.
Từng là một học sinh giỏi và ngoan ngoãn những năm cấp 2, nhưng đến đầu năm lớp 10, Phong (Phường Tân Thành, Thành phố Ninh Bình) bị bạn bè rủ rê chơi game nên thành tích học tập sút giảm. Bố mẹ Phong tin tưởng con là học sinh giỏi nên thời gian đầu không để ý đến việc Phong đi chơi game. Đến năm lớp 11, khi con xin đi học thêm, chị Dung mẹ cháu đồng ý. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền mà mẹ cho đi học, Phong đã nướng hết vào game. Chị Dung phát hiện con có những biểu hiện kỳ lạ trong sinh hoạt như nói những câu khó hiểu hay ăn ngủ thất thường. Đến các cơ sở mà con chị nói là xin đi học, thì mới tá hỏa khi biết được quý tử không hề đăng ký học. Bắt đầu năm học mới, bà mẹ lại "được" cô giáo chủ nhiệm thông báo mới 1 tháng đầu năm con chị đã nghỉ học đến cả chục buổi. Điều tra thêm, chị Dung phát hiện trong ví tiền của cháu có rất nhiều thẻ game. Tuy đau lòng nhưng vợ chồng chị xin cho cháu nghỉ học đi làm, bởi có học nữa thì cháu càng lún sâu vào thế giới ảo. Nhận ra việc đi làm vất vả khó khăn, quý tử nhà chị Dung tha thiết xin bố mẹ được đi học trở lại sau 1 năm bỏ dở. Thế nhưng ngựa quen đường cũ, cháu lại sa vào game, nghỉ học liên tiếp. Bất lực với con, chị Dung nghẹn ngào: Tôi làm công việc nội trợ nên không thể hiểu những chuyện liên quan đến máy tính hay công nghệ, chồng tôi là lái xe quanh năm suốt tháng rong ruổi trên đường, mỗi khi về nhà thương con lại cho con tiền, vậy nên cháu mới có nhiều tiền để chơi game.
Lâm vào hoàn cảnh có con nghiện game, ông N.H. Bạch (phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) lo bạc tóc. Khi đứa con trai lớn nhất của ông bước vào cổng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông vui và hãnh diện bao nhiêu thì bây giờ thất vọng bấy nhiêu. Năm nay đã 20 tuổi, nhưng theo ông Bạch, cháu đã hoàn toàn mất kỹ năng sống, ý thức về bản thân, về gia đình và một phần nhân cách của cháu bị hủy hoại. Cháu ham mê game đến mức bỏ đi đến gần cả tháng, thậm chí không đi tìm thì cháu cũng chưa chắc đã trở về. Gia đình cũng có sơ hở khi quản lý tiền bạc, khi cháu quá ham mê game đã mở khóa tủ lấy trộm tiền. Khi phát hiện ra con nghiện game, ông cũng đe nẹt, nhưng không biết gì về việc con chơi game như thế nào nên khó có thể nắm bắt được tâm lý của con. Ông Bạch cho biết khi cháu sang năm thứ hai đại học đã nợ đến gần chục môn, không còn khả năng trả nợ nên phải nghỉ học giữa chừng.
Bất lực khi con cái chơi game, nhiều ông bố bà mẹ đã chọn phương pháp "mạnh" để răn đe tại gia tuy nhiên hầu hết đều không hiệu quả. Để vấn nạn game không ăn mòn, phá hoại thế hệ tương lai của đất nước, không chỉ chờ đợi những biện pháp từ gia đình mà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội để hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy gây ra từ thế giới "ảo".
Tác hại khó lường
Việc các bạn trẻ đam mê sử dụng công nghệ và chơi game thường xuất phát từ gia đình, các bậc phụ huynh cho con em mình chơi game trên điện thoại smartphone và máy tính bảng một cách không kiểm soát. Lúc đầu, họ đều nghĩ vô thưởng vô phạt nhưng khi chơi nhiều sẽ tạo nên sở thích và dần dần mê game, dành phần lớn thời gian để chơi game. Trong khi đó, hệ thống các trò chơi trực tuyến ngày càng đưa ra nhiều loại nhằm khai thác kiệt quệ tâm trí người chơi. Khi các bạn trẻ tham gia vào game coi như bước vào thế giới "ảo" và sẽ đồng nhất người chơi tuyệt đối với điều đó, với các nhân vật trong game. Hậu quả, các bạn thường hành xử theo nhân vật. Thậm chí, cha mẹ có khi như đối thủ trong game cần xử lý. Thực tế đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra trong nhiều gia đình. Nghiêm trọng hơn, nếu nghiện game sẽ dẫn tới đảo lộn giờ giấc sinh hoạt hằng ngày, ngủ và ăn rất ít, từ đó dẫn đến tình trạng bồn chồn, khó chịu, bất an, hồi hộp, lo lắng, chìm đắm trong khổ đau tuyệt vọng... Các hội chứng đó tập hợp lại rất giống bệnh nhân trầm cảm, do chơi game nhiều nên ám ảnh tâm trí, gây ảo giác.
Nói về mức độ nguy hại của việc "nghiện game", bác sĩ Phạm Cao Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Xét từ góc độ sinh học, nghiện game cũng giống như nghiện thuốc phiện. Theo đó, sau khi thắng trận não bộ sẽ tiết ra một chất khiến người chơi cảm giác thoải mái, dễ chịu. Do vậy khi chơi game nhiều sẽ rất dễ có tâm lý phụ thuộc, áp lực. Cũng theo ông Phong, chỉ cần chơi hơn 2 giờ/ngày đã có nguy cơ gây nghiện. Đặc biệt đối với trẻ vị thành niên, chưa hình thành nhân cách, nếu bị nghiện game sẽ sống cô lập, không thích nghi với cuộc sống và mất hết mối liên hệ với gia đình, xã hội.
Lỗ hổng từ gia đình và xã hội
Hiện nay, phần lớn phụ huynh không hiểu được tình trạng nghiện game và sự nguy hiểm của việc này, khi con có những biểu hiện bất thường họ lại đưa đến bệnh viện. Có nhiều phụ huynh không cho chơi game, cấm chơi, có những trường hợp còn nhốt con tách biệt với xã hội xung quanh. Thế nhưng, nếu làm như thế sẽ gây tác dụng ngược và rất nguy hiểm, bởi đó chỉ ngăn cản hành vi bên ngoài chứ không phải ở bên trong. Thực tế xã hội hiện đại ngày nay, người lớn bị cuốn vào công việc cho nên để con cái tự sống, đây là vấn đề rất đáng báo động. Phụ huynh chưa quản lý được con mình, chưa hiểu được tâm sinh lý của các cháu đến từng giai đoạn phát triển, không can thiệp kịp thời nên dẫn đến tình trạng nêu trên.
Về mặt nhà trường, hiện nay các thầy cô giáo tập trung vào việc dạy văn hóa, chưa chú trọng vào phát triển kỹ năng và nhận thức xã hội, bản thân cho nên các học sinh dễ bị sa đà vào tệ nạn xã hội hay các trò chơi điện tử trực tuyến. Một điều đáng lưu tâm nữa, hiện nay việc quản lý các cửa hàng Internet, các quán game trên địa bàn vẫn hết sức lỏng lẻo, đa số đều lách luật, trá hình, ngoài đóng cửa nhưng bên trong vẫn chơi game thâu đêm suốt sáng.
Ông Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh cho biết, các cơ sở kinh doanh Internet cần tuân thủ về thời gian hoạt động theo quy định, không thể để cho người chơi thâu đêm suốt sáng. Đặc biệt, cần hạn chế game bạo lực, bởi thực tế có nhiều game rất độc hại, ảnh hưởng đến tâm trí người chơi. Song song đó, cần tạo ra nhiều sân chơi để các em có đời sống tinh thần phong phú và không có thời gian quá rảnh rỗi để rồi sa đà vào game. Về phía phụ huynh cũng phải rất chú ý đến các em, tạo cho các em những điều kiện để tham gia sinh hoạt thanh thiếu niên.
Cũng theo ông Hải, khi các em nghiện game cần có nhiều giải pháp, trong đó liệu pháp xã hội như tạo ra các trò chơi trí tuệ, những bài học hiểu được tác hại của game… để các em dần dần từ bỏ. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm duyệt chặt chẽ, không thể để bất cứ loại game nào cũng đưa ra thị trường, hoặc quy định chặt chẽ cơ sở tổ chức game; tuyệt đối không để các trẻ em nhỏ tuổi chơi game, bởi trẻ em dưới 5-6 tuổi chưa thể định hình được tâm lý, nếu chơi game nhiều sẽ dễ gây ra hệ lụy không tốt khi hình thành tính cách.
Đức Quỳnh