Nắng mưa đồng làng thuở nào gần lắm và xa lắm, nó ám đầy trên tóc, trên áo, trên da thịt mình từ miền thơ ấu, ám đến tận bây giờ hoặc nhiều hơn nữa, xa hơn nữa… Tinh mơ gà chưa kịp gáy, ban mai chưa kịp thức giấc, bất kể đông, hè, xuân, thu vần vũ, người quê khấp khểnh mang về chợ vài ba con cá, mấy cọng rau vườn. Ngoại mình cũng vậy, lưng còng như lúa nặng hạt, lọm cọm bên giỏ cua chỉ vài con mẩy ruộm đủ một bữa canh, vậy mà cũng thức dậy từ tinh mơ, ngoại chỉ sợ để qua một đêm những con cua ngoại dành dụm được nó gầy đi, còm đi, rồi bán không được giá, rồi không đủ tiền mua vài đũa thịt cho con cháu có một bữa ăn tươi… Người quê thật lạ, bao nhiêu thứ còi cọc xấu xí để lại mình ăn, rồi chọn cái tốt tươi, ngon ngọt dành bán cho người. Đồng làng hình như cũng vậy…, chắt chiu lúa thơm, cơm trắng cho người, còn mình nhận lại đám gốc già mục lũa, tự làm giàu cho mình bằng cái thứ chẳng ai cần đến nữa.
Đi chợ sớm mai, vẫn có bao nhiêu cụ già, bao nhiêu lam lũ, vẫn mấy con tép, mấy con tôm, vài quả trứng, có khi chỉ một quả đu đủ cũng thành một mẹt hàng, có khi giở ra rồi lại gói vào vì không bằng lòng với cái giá bèo giá bọt của đám người buôn, có khi tặc lưỡi, rẻ thế thì tao mang về cho con, cho cháu nó ăn… Tặc lưỡi là tặc lưỡi ủi an cái sự bọt bèo của rau vườn quả bụi, của những nhon nhặt, chắt chiu, dành dụm quê mùa, để rồi chỉ một tích tắc sau đấy, cái khóe môi nhăn nhúm vết chân chim ấy lại ngậm ngùi, nước mắt lấn cấn quanh mi, biết đến lúc cháu con nó về, quả chín có còn ăn được hay thối rữa hết mất rồi…, bán đi còn dành được một hào cho nó… chao ơi là cái nắng mưa lam lũ ngoài phố chợ… cái đồng làng ngoài chợ phố…
Mà cái chợ này có phải chợ quê đâu, chợ ở đâu đó giữa phố sá ngun ngút những cao ốc và siêu xe siêu sành siêu điệu, chợ giữa cái nơi ồn ào và sôi động nhất, giữa cái chốn hào hoa và thanh nhã nhất, cũng là chốn xô bồ và hỗn tạp nhất… Mình đã đi qua nó bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm, đã bán, mua bao nhiêu khôn dại, vui buồn, lờ lãi chẳng thể nào đong đếm được. Vậy mà đến tận hôm nay, khi mình không một đồng xu dính túi, không một đua chen tính toán bán mua, không một lối đi về rành rẽ, mình mới phát hiện ra những mảnh hồn làng còn đâu đó khuất lấp trong những đua chen tinh mơ phố thị.
Ánh ngày rạng rỡ dần trên chóp mái của những tòa cao ốc, tiếng xua đuổi, quát nạt của phiên chợ chính trong tòa chợ chính làm nhúm chợ quê tan tác, lầm lụi, chui nhủi tan lẫn vào những chen chúc của phố chợ. Tinh sương biến mất vội vã. Đất trời phơi tỏ mọi bán mua trần trụi và bóng bẩy. Mái tóc nhà quê ra phố, uốn mềm như suối, ép suôn như lụa, vồn vã bên chậu cá sủi bọt nước đục ngầu sặc sụa mùi đầm bãi. Bàn tay nhà quê ra phố sơn móng, vẽ hoa giấu biệt cái màu nâu ngấn cặn ruộng đồng, vuốt ve những cọng rau mướt xanh như thể vừa cắt ra từ chương trình quảng cáo trên màn ảnh truyền hình… Đôi môi nhà quê ra phố đon đả chào mời bằng âm thanh vọng ra sau tấm khẩu trang lem nhem vết vân tay… Phố xá gắt gỏng quăng quật nâng lên, hạ xuống. Mắt nhìn mũi, mũi nhìn tay, tay mân mê những món hàng… Dữ dằn. Nghi hoặc…
Mình cũng nhà quê ra phố, xộc xệch áo quần, nhòe nhoẹt mắt xanh, môi đỏ, má hồng, tóc nâu, móng vẽ… cũng rụt rè đua chen bằng cái dở khôn, dở dại… Bán mua, trao nhận từng "đồng xu lấm vị bùn" và gom nhặt lãi lờ bằng vô số cái "run run phận người"… Để mỗi tinh mơ thăm thẳm trong lòng tiếng gọi nắng mưa…
Đồng làng hỡi, đồng làng ơi, đồng làng còn có mưa rơi, nắng vàng ???
Vũ Thanh Lịch