Từ đó, phong trào TDTT trong tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Về vùng "rốn lũ" Sơn Thành (Nho Quan) vào những buổi chiều nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp khá đông người dân đủ mọi lứa tuổi đang cùng nhau luyện tập, thi đấu, giao lưu các môn thể thao tại sân nhà văn hóa thôn hay sân vận động xã. Trao đổi với đồng chí lãnh đạo xã Sơn Thành được biết, tuy là xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng phong trào TDTT của địa phương phát triển khá mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân từ đoàn viên Đoàn thanh niên tới hội viên của các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội người cao tuổi... tham gia và trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống của người dân. Phong trào luyện tập TDTT ở xã sôi nổi vào tất cả thời gian trong năm, đặc biệt là vào những ngày lễ, Tết. Các môn thể thao được nhiều người lựa chọn như bóng chuyền, kéo co, chạy cự li, cờ tướng, bóng bàn, cầu lông. Tuy nhiên, do đặc thù địa phương là vùng xả lũ của huyện, quỹ đất dành cho các hoạt động tập thể ở các thôn không nhiều nên phong trào thể thao ở đây mạnh nhất là môn bóng chuyền và bóng bàn. 2 môn thể thao này được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên, đã tạo sân chơi bổ ích và rèn luyện sức khỏe, góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội. Nhằm thúc đẩy phong trào, bên cạnh các giải thể thao cấp thôn, xóm, kể từ năm 2000 đến nay, cứ 2 năm xã tổ chức Đại hội TDTT để lựa chọn vận động viên tiêu biểu tham dự Đại hội TDTT huyện. Hàng năm, xã tích cực tham gia thi đấu tất cả các giải thể thao do huyện tổ chức, đội bóng chuyền nam của xã luôn giành giải nhất, nhì. Hiện toàn xã có khoảng 20% dân số thường xuyên tham gia luyện tập thể thao.
Không riêng ở Nho Quan, trong những năm qua, hoạt động TDTT quần chúng phát triển rộng khắp ở các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập, trong đó nhiều môn thể thao đã được phổ cập như đi bộ, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi, chạy, kéo co, võ, vật... Đặc biệt, số người thường xuyên tập luyện thể thao tăng nhanh. Hiện toàn tỉnh số người thường xuyên tham gia luyện tập TDTT đạt 26,5%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 22,3%, thành lập được trên 550 câu lạc bộ TDTT cơ sở đã góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng sôi động, thiết thực, bổ ích. Cùng với đó, phong trào TDTT trong các trường học phát triển mạnh mẽ, 100% các trường học thực hiện nghiêm túc các giờ học theo quy định, 81% các trường học tổ chức được các hoạt động ngoại khóa.
Nhằm thúc đẩy, khơi dậy phong trào phát triển ngày càng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các địa phương còn thường xuyên tổ chức được nhiều cuộc thi đấu TDTT quần chúng. Ngoài nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực thể thao các địa phương còn huy động sự tham gia đóng góp từ các cá nhân, doanh nghiệp. Hệ thống giải thi đấu thể thao quần chúng được tổ chức khá ổn định, thường xuyên và có hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, 100% các huyện, thành phố đã tổ chức được đại hội TDTT. Hàng năm, toàn tỉnh tổ chức được gần 40 giải và hàng nghìn cuộc thi đấu thể thao cấp cơ sở, trong đó có hệ thống giải phong trào TDTT quần chúng được tổ chức ổn định như giải thi đấu của Liên đoàn quần vợt, Liên đoàn cầu lông, Liên đoàn bóng bàn... đã tạo bước đệm vững chắc thúc đẩy phong trào phát triển bền vững. Thông qua các giải thi đấu phong trào đó đã giúp cho ngành TDTT phát hiện, tuyển chọn những vận động viên có năng khiếu để bồi dưỡng, nâng cao thành tích để cung cấp nhân tố tiềm năng cho đội tuyển của tỉnh.
Một trong những nhân tố tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng của tỉnh trong thời gian qua chính là sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, sân bãi luyện tập của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, công tác xã hội hóa các hoạt động thể thao phát triển mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 64 sân quần vợt, 66 nhà tập cầu lông, 600 sân thi đấu cầu lông, 442 sân bóng đá, 123 sân thể thao cơ bản, 107/146 xã có sân thể thao cấp xã, 41 điểm vui chơi cấp xã... đã cơ bản đáp ứng nhu cầu luyện tập của nhân dân. Tuy nhiên, công tác phát triển TDTT quần chúng trong những năm qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Các hoạt động TDTT quần chúng chưa phát triển đồng đều ở các địa phương, đơn vị, một số nơi quỹ đất dành cho các hoạt động TDTT còn thiếu; cơ sở vật chất, sân bãi chưa đạt chuẩn; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao nhìn chung còn thấp, chưa được đầu tư đào tạo đúng mức, nhất là tuyến cơ sở; nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đúng về ý nghĩa, mục đích của phong trào... đã phần nào hạn chế sự phát triển của phong trào.
Đồng chí Nguyễn Văn Giáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để duy trì và phát triển phong trào TDTT quần chúng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020 và thực hiện thành công Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020, nhất là việc chuẩn bị cho Đại hội TDTT các cấp năm 2013-2014, trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng thì các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức tới mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa việc rèn luyện thể thao thường xuyên, duy trì và đẩy mạnh các hoạt động thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư quy hoạch đất, xây dựng cơ sở vật chất dành cho TDTT, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và đời sống nhân dân. Gắn phong trào TDTT quần chúng với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh. Đồng thời, cần tăng cường công tác xã hội hóa TDTT, phát huy mọi nguồn lực trong nhân dân để đưa phong trào TDTT phát triển toàn diện.
Tiến Minh