P.V: Ngày 28/6 hàng năm được chọn là ngày Gia đình Việt Nam? Đồng chí có thể cho biết ngắn gọn lịch sử, ý nghĩa của ngày này?
Đ/c Vũ Thị Lý: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác đã khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình". Đảng ta luôn khẳng định "Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại". Để tôn vinh Gia đình Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001 về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, và văn minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng toàn thể nhân dân có dịp tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp và nhân văn của Gia đình Việt Nam và cũng là dịp các thành viên gia đình thể hiện lòng biết ơn và sự tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, ngược lại những người lớn tuổi trong gia đình thể hiện lòng nhân ái, mẫu mực, lắng nghe, chia sẻ của các thành viên trong gia đình, tạo nên ngày hội của toàn xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
P.V: Thưa đồng chí, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn chủ đề là: "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương". Điều đó cho thấy đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong cuộc sống hiện đại ngày nay?
Đ/c Vũ Thị Lý: Theo quan niệm của người Việt, "Bữa cơm gia đình" không chỉ đơn giản là cung cấp năng lượng cho các thành viên gia đình mà nó còn là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình, đó cũng là lúc hai từ sum họp trọn vẹn ý nghĩa nhất.
Vì thế, duy trì bữa cơm gia đình là nền tảng xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững. Mỗi cá nhân cần trân trọng những giây phút sum họp bên gia đình, hãy dành thời gian để ăn cùng nhau một bữa cơm có mặt của đông đủ các thành viên trong gia đình. Lúc này, bữa cơm gia đình không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, là nơi trao truyền những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình mà còn thể hiện tình yêu thương, quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Qua bữa cơm gia đình có thể truyền tải những thông điệp về sự yêu thương, chia sẻ, tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên, cùng sống có trách nhiệm, cùng nhau xây dựng một gia đình tiến bộ, hạnh phúc…
P.V: Năm nay là năm thứ 17 kể từ khi ngày 28-6 được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam. Theo đánh giá của đồng chí, xã hội đã có sự quan tâm đến vấn đề này như thế nào?
Đ/c Vũ Thị Lý: Năm 2018 là năm thứ 17 hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Theo đánh giá của những người làm công tác gia đình như chúng tôi, với một khoảng thời gian chưa dài nhưng nhận thức của các tầng lớp nhân dân đã có sự chuyển biến đáng kể. Đến nay, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhiều gia đình. Hàng năm, đến ngày 28-6, nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như gặp mặt, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, thi nấu ăn và nhiều hoạt động cụ thể khác theo các chủ đề như: "Xây dựng gia đình hạnh phúc", "Kết nối yêu thương", "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương"... nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, xóa bỏ bạo lực trong gia đình. Cùng với đó, tại nhiều đơn vị, xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn... Điều đó khẳng định, vấn đề gia đình đã và đang được nhiều người quan tâm, coi trọng, mong muốn giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam. Ngày 28/6 hàng năm đang dần trở thành ngày hội của mỗi Gia đình Việt Nam và toàn xã hội.
P.V: Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Ninh Bình, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh đã có những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam năm nay và tạo sức lan tỏa, ý nghĩa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân?
Đ/c Vũ Thị Lý: Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng các nội dung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, tiếp tục thực hiện chủ đề: "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương", với các thông điệp: "Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6"; "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương"'; "Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc"; "Gia đình là tế bào của xã hội, là thành trì của Tổ quốc"; "Xây dựng môi trường văn hóa gia đình - cộng đồng - xã hội lành mạnh"…. Thời gian thực hiện trong suốt tháng 6/2018. Cao điểm tổ chức đợt tuyên truyền là từ 20-28/6. Đặc biệt, tổ chức thực hiện "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" trong mỗi gia đình trên địa bàn toàn tỉnh vào khung giờ chung từ 17h-19h thứ 5, ngày 28/6/2018.
Cùng với đó, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình 2018 như: Hội thảo, hội nghị, gặp mặt, tọa đàm, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, hội thi, hội diễn, các chương trình văn hóa, văn nghệ, TDTT...; Tuyên truyền trực quan chủ đề, khẩu hiệu về Ngày gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình 2018 tại các địa điểm công cộng, trụ sở các cơ quan, đơn vị… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các thông điệp truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng…. Ngành Văn hóa và Thể thao cũng tổ chức hội nghị tuyên dương 32 gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh…; góp phần duy trì và đề cao giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Mỹ Hạnh