Ngoài hiên bà Tư lặng lẽ ngồi sàng gạo. Bà cắm cúi làm, có lúc bà dừng tay ngồi ngẩn, ánh mắt nhìn xa xăm. Có lẽ bà cũng đang có những suy nghĩ gì đó như chồng. Lâu lâu thấy ông trong nhà không nói gì, bà mới dừng tay sàng gạo hỏi vọng vào :
- Con nó đỗ đại học... mà lại đỗ thủ khoa... Hôm qua tôi gặp ai họ cũng hết lời khen ngợi, chúc mừng...mà sao ông lại buồn thế, có vẻ lo lắng thế... Ông định thế nào ?
Bấy giờ ông Tư mới chậm rãi lên tiếng :
- Tôi... cũng đã nghĩ đến nát cả đám cỏ gà rồi...Con đường vào đại học sao mà gian nan thế... Đúng là nó đã đỗ, lại đỗ thủ khoa... còn niềm vui nào bằng... nhưng lấy gì cho nó đi học đây ?
Ông Tư lại thở dài. Bà Tư đã hiểu ý ông. Thì ra ông cũng đang có những suy nghĩ như bà. Đúng là có khó khăn thật. Hoàn cảnh nhà ông bà sao mà bảo đảm được việc học cho nó. Ông thì lương hưu bộ đội , thêm được ít phụ cấp thương tật...chả là bao, thỉnh thoảng lại tiền thuốc men, đi viện...có tháng hết nhẵn. Cả nhà chỉ trông vào bảy sào lúa với đôi lợn thịt và sự đảm đang tháo vát của bà. Gà, vịt... nhà có nuôi nhưng đáng kể gì. Thời nay không sợ đói, nhưng để nuôi được con học đại học cũng chẳng phải là chuyện dễ. Nó đã vậy, lại còn em nó cũng đang học cấp hai.
Ngắt hơi thở dài, ông Tư mới lại thủng thẳng :
- Nuôi cho con ăn học... nó trượt cũng lo. Ở nhà biết làm gì. Chơi bời lêu lỏng chỉ tổ hư người. Mà nó đỗ lại cũng lo. Nào là tiền học, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn hàng tháng, tiền sách vở, lại còn bao nhiêu khoản đóng góp khác... Hoàn cảnh nhà mình thế này đào đâu ra...Cứ nghĩ mà nẫu cả ruột...
Bà Tư cũng buồn buồn chép miệng bàn :
- Hay là... cho nó nghỉ một năm... sang năm hãy đi...để còn lo...
Ông " hừ " một tiếng rồi gạt phắt :
- Thế sang năm nhà mình khá hơn chắc ? Mà nghỉ một năm thi lại chắc gì đã đậu ?
Bà lại bảo :
- Hay là... cho nó chờ thi vào cao đẳng, trung cấp gì đó trong tỉnh mà học thì có thể đỡ tốn kém hơn chăng ?
Ông Tư vẫn lắc đầu :
- Tôi cũng đã tính cả rồi...Cũng chả đỡ là mấy đâu... mà lại bỏ mất cái thời cơ vào đại học của nó...
Hai ông bà lại im lặng. Mỗi người lại đuổi theo những suy tư của mình. Ông lại rít một điếu thuốc lào . Nhả khói xong, ông ngoảnh nhìn bà đủng đỉnh nói tiếp :
- Tôi đã nghe nói có ông gì ở huyện bên...Vợ chồng có ba con đi học đại học. Đứa thứ nhất ông phải bán bò. Đứa thứ hai ông phải bán vườn. Đến đứa thứ ba thì ông ấy phải bán xe máy, Ti-vi, tủ lạnh...Nhà mình thì có gì mà bán ? Thật là tiến thoái lưỡng nan quá...
Giữa lúc ấy thì ông Ngọc đạp xe vào. Ông Ngọc là anh em họ với ông Tư, hiện đang làm chủ tịch Hội Khuyến học xã. Trông ông Ngọc rất vui. Vừa dựng xe đạp trước sân, ông Ngọc vừa hồ hởi lên tiếng :
- Chào hai bác...Gớm biết tin anh cháu đỗ thủ khoa đại học từ hôm qua mà nay em mới sang chúc mừng hai bác được đây...
Ông Tư trong nhà nói với ra :
- Vui thì vui thật... nhưng cũng lo quá chú ạ ! Chú vào mời nước...
Ông Ngọc vừa bước lên hè vừa nói, giọng vẫn rất vui :
- Lo gì mà lo...bao nhiêu người mong ngày, mong đêm không được kia...Em cũng vừa qua mấy nhà có con không đỗ...Nhà nào cũng buồn lắm... Rồi vợ chồng day dứt với nhau chỉ vì cái chuyện học hành của con cái. Đến tội ! Ai cũng bảo chỉ ông bà Tư là sung sướng nhất, hạnh phúc nhất... Bác biết không, ngày xưa đỗ đạt như vậy là còn phải bắc rạp khao cả làng đấy...
Ông Ngọc bước vào nhà. Ông Tư đã có phần cũng vui lên trước sự tươi vui của ông Ngọc. Ông Tư vội đứng lên đổ bã pha ấm trà mới. Hai anh em vừa uống nước, vừa trò chuyện. Ông Ngọc hớp ngụm trà thơm rồi đặt chén thong thả :
- Bác ạ... xin bác cứ yên tâm...em nói để hai bác hay... sẽ có nhiều điều tốt lành đối với các cháu đỗ và đi học đại học lắm... Chẳng hạn đợt tới đây...Hội Khuyến học tỉnh sẽ có buổi lễ khen thưởng tất cả các học sinh đỗ thủ khoa và đạt điểm xuất sắc vào đại học, đỗ thủ khoa thi vào PTTH, vào trường chuyên của tỉnh... Những học sinh đỗ thủ khoa đại học thế nào cũng được thưởng đến hàng triệu chứ chẳng ít đâu. Các học sinh là con em thương binh, liệt sỹ lại được quỹ học bổng " Vòng tay đồng đội " trợ cấp cho nữa...
Hai tiêu chuẩn ấy thằng cháu Tuấn nhà ta được cả hai rồi... Sau đó lại còn Hội Khuyến học huyện, Hội Khuyến học xã, Ban Khuyến học dòng họ cũng còn sẽ có khen thưởng cho các cháu nữa chứ... Lên trường nếu cháu nó học giỏi lại còn được học bổng ... Rồi hay nhất là hiện nay nhà nước còn có chính sách cho học sinh đi học chuyên nghiệp được vay tiết kiệm ...cứ yên tâm học tập , ra trường mới phải lo trả... Hai bác tính cho em xem mấy khoản đấy đã được bao nhiêu rồi...
Ông Tư gật gù ngẫm nghĩ. Bà Tư ngoài hiên cũng dừng hẳn tay sàng gạo ngồi lắng nghe không bỏ sót một lời nào của ông Ngọc. Nỗi buồn lo trên khuôn mặt ông bà Tư cứ mỗi lúc một vơi dần . Và nhiều nụ cười vui đã liên tiếp xuất hiện trên miệng hai ông bà.
- Còn điều này nữa... là ở xã ta, có ba nhà doanh nghiệp lớn ở Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh...đó là ba " Mạnh Thường quân " có tiếng của khuyến học. Ba vị này rất quan tâm và hết lòng với công tác khuyến học, khuyến tài của quê hương. Hơn mười năm qua các vị ấy đã đầu tư, hỗ trợ rất nhiều cho con em của xã đi học, nhất là những con em gia đình có nhiều có khăn. Có em đã được các ông ấy thường xuyên trợ cấp hàng tháng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho đến khi học xong đại học đấy. Trong đó có một ông cũng từng là thương binh thời chống Mỹ , hiện lại là trưởng ban quỹ " Vòng tay đồng đội " của Hội đồng hương Khuyến học ở trong ấy nên ông ấy rất ưu ái với những học sinh là con em đồng đội của mình. Thằng cháu Tuấn nhà ta là trong diện được ông ấy quan tâm...
Ngừng giây lát ông Ngọc nói tiếp :
- Mấy năm qua , có nhiều trường hợp, em đã viết thư cho các ông ấy... các ông ấy đều đáp ứng một trăm phần trăm yêu cầu của Hội khuyến học xã ta. Trường hợp của cháu Tuấn... em mà viết thư cho các ông ấy thì nhất định là được ngay...
Đến đây thì ông bà Tư đã thực sự vui lên. Ông bà rất tin ở ông Ngọc. Ông là người chân thật, mô phạm... Nhiều năm làm hiệu trưởng Trường cấp hai của xã, ông đã góp phần xứng đáng trong thành tích, truyền thống chung của ngành giáo dục xã, huyện. Ông là một tấm gương sáng của ngành giáo dục huyện nhà.
Hơn mười năm qua làm Chủ tịch Hội khuyến học xã, ông đã có nhiều công sức xây dựng được phong trào khuyến học của xã liên tục tiến lên những bước vững chắc, được chính quyền và bà con cả xã, cả làng ai cũng mến yêu, tin cậy. Chính vì thế những điều ông nói, ông bà Tư tin lắm. Thế là bao nhiêu nỗi lo âu, sầu não chất chứa trong lòng ông bà Tư mấy hôm nay phút chốc tan biến hết. Ông Tư nhìn ông Ngọc trìu mến rồi đứng vụt dậy nắm chặt lấy tay ông Ngọc :
- Cám ơn chú...Cám ơn Hội Khuyến học các cấp....Được như vậy thì vợ chồng tôi hết lo rồi... Vậy mà tôi cứ lo cho con đường vào đại học của cháu nó...Từ nay thì cứ việc gối cao đầu mà ngủ rồi... Hà ! Hà !...
Ông Ngọc lại đùa vui :
- Và ... hai bác cũng phải tổ chức liên hoan động viên cho các cháu. Cả làng ta là nhất nhà bác rồi... một cháu thì thi vào được trường chuyên của tỉnh, một cháu thì đỗ thủ khoa đại học...vẻ vang cho cả họ nhà ta đấy...
Ông Tư lại lập bập và gật đầu rối rít :
- Vâng... vâng...ngày kia...vợ chồng tôi sẽ tổ chức liên hoan ăn mừng cho các cháu... mời chú, nhất định chú phải đến đấy...
- Vâng... vâng....
Ông Ngọc gật đầu vui vẻ. Bà Tư cũng vội bỏ cả mẹt gạo chạy vào trong nhà nắm tay ông Ngọc mà giọng cứ nghèn nghẹn không biết nói gì. Đôi mắt bà đã nhòe lệ tự lúc nào. Đó là nước mắt của niềm vui, của hạnh phúc mà vợ chồng ông bà chưa bao giờ có được...
Truyện ngắn của Thanh Thản