Phóng viên (PV): Vốn là một thiếu tá quân đội nghỉ hưu, lại có hàng chục năm gắn bó với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, vậy khi chuyển sang công việc mới là Chủ tịch Hội Khuyến học xã, ông có gặp khó khăn gì không? Ông Cao Trần Ân: Khi mới nhận nhiệm vụ là Chủ tịch Hội Khuyến học xã, tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ. Song, thuận lợi lớn nhất để tôi và những người làm khuyến học ở xã luôn hoàn thành nhiệm vụ là truyền thống hiếu học của địa phương. Tôi còn nhớ, từ những giai đoạn khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cùng với cả nước, phong trào Bình dân học vụ ở xã Liên Sơn đã có bước phát triển mạnh. Để động viên nhân dân đi học, địa phương đã phát động hàng loạt các phong trào như: "Đi học là yêu nước - Dạy học là yêu nước", "Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương diệt giặc dốt", "Chống nạn mù chữ đi đôi với sản xuất tăng gia". Bà con nô nức đi học các lớp xóa mù chữ. Phong trào học diễn ra ở khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức như: con dạy cha, vợ dạy chồng, người biết chữ dạy người không biết chữ. Đêm đêm, ở miền quê nghèo khó ấy sáng rực đèn đuốc để phục vụ sự học của nhà nhà, người người. Với những nỗ lực đó, Liên Sơn không những đẩy lùi được nạn mù chữ mà còn nhận được phần thưởng có ý nghĩa lớn lao, đó là vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Bức thư với những lời căn dặn ấy của Bác đã trở thành niềm tự hào, là hành trang trong sự nghiệp phát triển giáo dục của bao thế hệ người dân xã Liên Sơn.
PV: Những người làm khuyến học ở Liên Sơn đã kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của địa phương như thế nào, thưa ông?
Ông Cao Trần Ân: Để sự nghiệp khuyến học, khuyến tài không còn là nhiệm vụ, là trách nhiệm của riêng ai, một mặt, Hội khuyến học đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền ban hành các nghị quyết chuyên đề về chỉ đạo công tác khuyến học và triển khai tới từng chi bộ, các ban, ngành, đoàn thể. Mặt khác, Hội Khuyến học xã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân quan tâm, chăm lo sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Công tác củng cố và phát triển tổ chức hội luôn được các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm. Toàn xã hiện có 19 chi hội khuyến học thu hút hơn 2.000 hội viên tham gia. Nhiều chi hội hoạt động hiệu quả như: chi hội xóm 1, chi hội xóm 13, chi hội các trường học...
Từ khi Hội Khuyến học xã Liên Sơn được thành lập, nhiều phong trào, hoạt động khuyến học, khuyến tài được phát động và đẩy mạnh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Sau khi ra đời, việc đầu tiên của Hội là thành lập tổ chống bỏ học tại các thôn, xóm, đồng thời có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm lớp theo dõi tình hình đi học của học sinh. Trường hợp nào bỏ học, nhà trường thông báo tới tổ để xuống tận gia đình tìm hiểu nguyên nhân, động viên học sinh tới trường. Nếu tổ không giải quyết được thì Chủ tịch Hội xuống tận nơi. Trước đây, do đời sống còn nhiều khó khăn nên nhiều gia đình cũng chưa có điều kiện quan tâm tới việc học của con em. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo Hội thường xuyên xuống các thôn, xóm gặp các trưởng họ, nhất là những người cao tuổi có uy tín để vận động các gia đình tham gia phong trào. Trong các cuộc họp đảng, chính quyền thôn, xóm, chúng tôi đều lồng ghép vấn đề phát triển giáo dục. "Mưa dầm thấm sâu", nhận thức của bà con về công tác khuyến học, khuyến tài được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua việc tăng nhanh tỷ lệ gia đình hiếu học. Đến nay, toàn xã có gần 700 gia đình hiếu học, đây chính là cơ sở để chất lượng giáo dục của địa phương ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học giỏi đứng thứ 2 toàn huyện, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt 100%, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào THPT đạt 90%; đặc biệt, số học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Nói đến phong trào khuyến học ở Liên Sơn, không thể không nói đến vai trò của họ tộc. Một số dòng họ có thành tích cao như: dòng họ Đinh Quang (xóm 13), dòng họ Bùi Văn (xóm 1), đặc biệt dòng họ Phạm Ngọc (xóm 1) có 1 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 8 thạc sĩ, hàng trăm người có trình độ đại học.
PV: Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân trong việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài?
Ông Cao Trần Ân: Theo tôi, làm công tác khuyến học nếu chỉ có lòng nhiệt tình không thôi thì vẫn chưa đủ. Thực tế cho thấy, người làm khuyến học phải có cái tâm sáng, có lòng đam mê và phải có sự sâu sát, hiểu rõ thực tiễn địa phương thì mới có được cách làm linh hoạt, hiệu quả. Công việc của một người làm khuyến học cũng rất vất vả, nói như nhiều người thì đó là việc "vác tù và hàng tổng". Thế nhưng được nhìn thấy con em quê hương mình học hành ngày càng tiến bộ, ngày càng có nhiều người thành công, được vinh danh trong các lĩnh vực ở mọi miền Tổ quốc thì đó là niềm vui lớn nhất đối với những người làm khuyến học rồi. Với tôi, được làm khuyến học đã là một hạnh phúc lớn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Hùng (thực hiện)