Cách bờ biển 6 km còn có Cồn Nổi với diện tích khoảng 700 ha với những bãi cát trắng mịn, có giá trị đặc biệt để phát triển du lịch sinh thái biển.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", những năm qua, tỉnh ta đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để làm giàu từ biển.
Xác định vùng kinh tế biển là vùng kinh tế trọng điểm, có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều năm qua, tỉnh ta tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, ban hành các chính sách phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.
Trong 5 năm (2007-2012), tổng mức đầu tư các dự án quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản như: giao thông, thủy lợi, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền tại cửa Đáy… đã đạt trên 2.963,6 tỷ đồng.
Cùng với đó, hoạt động khuyến ngư được tăng cường, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng bãi bồi, hình thành vùng sản xuất tập trung. Vì vậy kinh tế biển trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 mặt: diện tích, giá trị và sản lượng. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây (2010-2012), nuôi ngao đã phát triển mạnh và dần trở thành con nuôi chính với năng suất, sản lượng tăng lên không ngừng.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển trong những năm qua vẫn còn một số tồn tại như: Công tác quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng hợp lý vùng bãi bồi chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với điều kiện phát triển và nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, việc quy hoạch chi tiết về đường điện, giao thông, hạ tầng dân sinh chưa được thực hiện. Một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, chưa phát huy tốt hiệu quả đầu tư.
Quá trình đầu tư kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất; một số công trình đưa vào sử dụng chưa phát huy được hiệu quả như: Khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền cửa sông Đáy…
Trong khi đó, nhận thức của các hộ nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ nuôi thả, tính cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản chưa cao, tình trạng sử dụng thức ăn tươi sống còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh, hiệu quả nuôi trồng không cao…
Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kinh tế biển gắn với việc phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng: Xây dựng hệ thống thông tin, quan sát biển, hình thành hệ thống nghiên cứu và dự báo về biển của tỉnh; xây dựng cảng sông,cửa biển, khu đóng, sửa chữa tàu, xây dựng trường học, trạm xá, công trình cấp điện, cấp nước…
Nâng cấp các tuyến đê Bình Minh I, Bình Minh II, hoàn thành dự án hàn khẩu đê Bình Minh III kết hợp làm đường giao thông ven biển. Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, nhiều giải pháp đã được đề ra, đó là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường.
Chú trọng đầu tư phát triển du lịch sinh thái khu vực Cồn Nổi. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, đầu tư các phương tiện tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ, xây dựng cảng cá, phát triển vận tải biển nhằm phục vụ tốt cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Mai Lan