Phóng viên: Xin ông cho biết ý nghĩa của Ngày thơ Việt và những nét khái quát nhất về phong trào thơ trên đại bàn tỉnh hiện nay?
Ông Nguyễn Đăng Hào: Được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ngày 26/12/2002, tại kỳ họp thứ 8, BCH Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 7) đã quyết định tổ chức Ngày thơ Việt Nam vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Đến nay, Ngày thơ Việt Nam đã thực sự trở thành một ngày hội, tôn vinh các giá trị nhân văn sâu sắc. Ngày thơ thường được chuẩn bị công phu, tổ chức trang trọng, mỗi năm đều mang một diện mạo, sắc thái riêng. Hàng năm, tỉnh Ninh Bình đều tích cực hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam với nhiều hoạt động được tổ chức phong phú, đa dạng, tôn vinh các giá trị thi ca đương đại trong quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong suốt chặng đường phát triển và trưởng thành, phong trào thơ của cả nước và của tỉnh luôn luôn bám sát đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị, khắc phục khó khăn, sáng tạo được nhiều tác phẩm văn học có giá trị, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích về thơ mà Ninh Bình đã đạt được, đời sống văn học nghệ thuật nói chung và đời sống thơ ca nói riêng của tỉnh còn nghèo nàn, sức sáng tạo của những người làm thơ còn hạn chế, còn thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, phản ánh hiện thực cuộc sống, mang đậm dấu ấn quê hương, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Việc giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thị hiếu nghệ thuật cho thanh, thiếu niên, nhi đồng, học sinh chưa được coi trọng; chưa tạo được nhiều điều kiện công bố rộng rãi những tác phẩm thơ có giá trị trong nhân dân, hình thức hoạt động thơ còn đơn điệu.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII thành phố Tam Điệp. Ảnh: Vân Quang
Phóng viên: Nối tiếp mạch nguồn thơ Việt , hiện nay, phong trào sáng tác thơ trên địa bàn tỉnh phát triển như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Hào: Đối với thơ Ninh Bình, trong những năm gần đây cũng có những đóng góp đáng kể cho nền thi ca dân tộc. Thơ của các tác giả người Ninh Bình đã có mặt trong nhiều tuyển tập văn học có giá trị cao, phổ biến rộng rãi trên nhiều tờ báo lớn của cả nước. Chỉ tính từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ninh Bình đã có trên một trăm tập thơ được xuất bản, trong đó có nhiều tập đã được nhận giải thưởng của Trung ương, nhất là Cuộc thi thơ Lục bát năm 2002-2003, của tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà thơ tỉnh Ninh Bình đã đạt 4/13 giải toàn quốc, đặc biệt đạt 2/3 giải nhất, gây được tiếng vang trong dư luận cả nước. Từ chưa có hội viên Hội Nhà văn Việt (năm 1992), đến nay, Ninh Bình đã có 10 hội viên Hội Nhà văn Việt hiện đang sinh hoạt tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Nhiều tác phẩm thơ của hội viên thường xuyên được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và đã có mặt trong các tuyển tập lớn của đất nước, trong sách giáo khoa phổ thông… làm cho vị thế văn học nghệ thuật tỉnh nhà được nâng lên một bước mới.
Phóng viên: Vậy để đưa thi ca địa phương đến gần hơn với đời sống, thời gian tới, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có định hướng phát triển phong trào thơ của tỉnh như thế nào?
Ông Nguyễn Đăng Hào: Để văn học nói chung và thơ nói riêng phát triển và hoạt động tốt hơn nữa, trong những năm tới, Hội Văn học nghệ thuật tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 21/11/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mà trọng tâm là Nghị quyết số 10 -NQ/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về xây dựng và phát triển văn hóa con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững", Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng đối với công tác văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, tạo điều kiện để văn nghệ sỹ thâm nhập thực tế cuộc sống, bám sát cơ sở để phản ánh và sáng tạo những tác phẩm thơ thấm đẫm hơi thở của đời sống mới. Phấn đấu có nhiều tác phẩm thơ khắc họa rõ nét hơn con người mới, tiên tiến của các vùng, miền trong và ngoài tỉnh Ninh Bình.
Cùng với đó, tích cực động viên hội viên của Hội phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, lấy tác phẩm tốt giáo dục, cổ vũ con người và xã hội. Mở rộng các hình thức phát hành tác phẩm thơ, đưa tác phẩm thơ có giá trị đến với quần chúng. Đồng thời không ngừng cải tiến, đổi mới công tác xuất bản tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, phát triển trang Thông tin điện tử, làm tốt hơn nữa công tác biên tập, nâng cao chất lượng nội dung thơ trên tạp chí, mở rộng diện phát hành, phấn đấu từng bước đưa tác phẩm văn học nghệ thuật trở thành người bạn thân thiết của nhân dân Ninh Bình và bạn đọc cả nước, để vừa có đông bạn đọc được hưởng thụ những giá trị văn hóa, tinh thần của thơ đồng thời qua đó khơi dậy những tiềm năng sáng tác trẻ, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, những nét đẹp văn hóa của quê hương, đất nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn Nhà thơ!
Hồng Vân