Trong năm vừa qua, du lịch Ninh Bình đã có những thành tích nổi bật góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương, thể hiện ở chất lượng dịch vụ chưa cao. Thời gian tới, để phát triển du lịch bền vững, Ninh Bình cần phát triển du lịch theo quy hoạch, kế hoạch đảm bảo hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch gắn với an ninh - quốc phòng. Về giải pháp cụ thể, theo tôi, cần tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cho cán bộ, công nhân viên làm du lịch trong các đơn vị kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó cũng cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch. Để sớm thực hiện được điều đó, tỉnh cần có thêm chính sách huy động các nguồn lực tài chính của các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là ưu tiên cho các dự án đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng. Ngoài ra, với thế mạnh riêng của Ninh Bình, chúng ta không thể bỏ qua ý nghĩa đặc biệt của các làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch, nhất là những làng nghề ở gần điểm du lịch nổi tiếng như thêu ren, chiếu cói...
Trịnh Xuân Hồng
(TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 đạt 30%; kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD như Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, tôi cho rằng tỉnh ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, đáp ứng tốt điều kiện sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút những nhà đầu tư lớn xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn. Đồng thời phải nâng cấp hệ thống đường giao thông, bến cảng, gắn quy hoạch vùng với quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Đối với ngành Công thương, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong các thủ tục xác nhận xuất xứ hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan, thời gian quyết toán thuế… Làm tốt công tác xúc tiến thương mại phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững thị trường truyền thống, đặc biệt là các thị trường lớn, như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc đi đôi với tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Mặt khác, ngành Công thương sẽ tăng cường công tác thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, chính sách ưu đãi xuất, nhập khẩu, rào cản kỹ thuật thương mại... nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát tham gia các Hội chợ quốc tế trong và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, xây dựng thương hiệu trực tuyến, nâng cấp, duy trì trang Website xuất khẩu Ninh Bình… nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường khẩu hàng hóa, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ là thế mạnh của tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh trên thị trường. Sở Công thương sẽ phân bổ, sử dụng một cách hợp lý nhất nguồn kinh phí khuyến công, kinh phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ định hướng xuất khẩu; tập huấn phổ biến nội dung các cam kết quốc tế, làm rõ các lợi thế mà Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng có thể thụ hưởng giúp định hướng thị trường cho các doanh nghiệp.
Phạm Thị Hồng
(TUV, Giám đốc Sở Công thương)
Tập trung xây dựng nông thôn mới
Huyện Gia Viễn xác định chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện, góp phần nâng cao đời sống người dân. Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng NTM và tình hình thực tế của địa phương, huyện đã tiến hành xây dựng kế hoạch, lập quy hoạch xây dựng NTM ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trước mắt chọn xã Gia Thanh làm điểm, sau đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Trong quá trình xây dựng đề án, lập quy hoạch, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư địa phương từ khâu khảo sát, lập danh mục đầu tư, xác định nguồn vốn, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư một cách hợp lý theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân trực tiếp được hưởng lợi". Ban chỉ đạo huyện sẽ tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, nhằm phát huy vai trò mỗi người dân trong tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, huyện còn phát động các phong trào thi đua và tổ chức ký giao ước thi đua giữa các xã tham gia đề án xây dựng NTM nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, phát huy tính năng động, sáng tạo của từng địa phương tham gia chương trình. Trong điều kiện huyện còn nghèo, việc huy động nguồn vốn trong giai đoạn đầu còn gặp không ít khó khăn, do đó, chúng tôi xác định chú trọng lồng ghép đề án với các dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Việc này không chỉ giúp các xã thực hiện tốt các tiêu chí của đề án mà còn là động lực và tiền đề để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là sự đóng góp của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Đối với xã Gia Thanh là đơn vị làm điểm, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt tiêu chí quy hoạch sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực cho các cơ sở y tế xã, cụm xã, bảo đảm cho việc chăm sóc sức khỏe cho dân. Đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, xã hội như khu vui chơi, thể dục thể thao; xây dựng các thôn, làng đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa", củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở…, phấn đấu đưa Gia Thanh là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận NTM, làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Trương Cộng Hòa
(Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn)
Quyết tâm đưa xã nhà ra khỏi danh sách xã có tỷ lệ hộ nghèo cao
Là một xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn của huyện Yên Mô, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, huyện, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ trong công tác giảm nghèo, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của Yên Thành đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Phát huy những kết quả đã đạt được, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đảng bộ và nhân dân Yên Thành sẽ đoàn kết một lòng, tập trung khai thác mọi nguồn lực để phát triển, sớm đưa Yên Thành ra khỏi danh sách 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Yên Mô. Về sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung vào các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như: đậu tương, lạc đông, ngô ngọt, đồng thời mở rộng diện tích lúa cao sản, lúa chất lượng cao. Xã phấn đấu đạt sản lượng lương thực bình quân 680 kg /người /năm, giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt 70 triệu đồng /năm; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nghề tiểu thủ công nghiệp như nghề làm thảm cói, thêu ren, mộc, nề, gốm sứ mỹ nghệ, dịch vụ du lịch phát triển… thông qua hỗ trợ về đào tạo nghề, chuyển giao KHKT và mặt bằng sản xuất. Yên Thành sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch và định hướng xuất khẩu lao động với mục tiêu giải quyết việc làm cho 200 lao động /năm. Đồng thời phát triển đàn gia súc theo hướng chăn nuôi hàng hóa tập trung. Trước mắt, trong năm 2011 sẽ xây dựng một số mô hình làm điểm về chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng bền vững ở quy mô trang trại và gia trại.
Trần Đình Huyn
(Bí thư đảng ủy xã Yên Thành, huyện Yên Mô)