Theo thống kê của UBND xã Ninh Hải, năm 2011 trên địa bàn xã đón 298.989 lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế là 187.921 lượt người, khách nội địa là 110.778 lượt người. Đến năm 2017, xã Ninh Hải đã đón 494.230 khách đến tham quan, tăng 195.241 lượt khách. Làng nghề thêu Văn Lâm nằm trong Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thực sự là một thế mạnh để thu hút khách du lịch. Theo ông Vũ Thành Luân, Chủ tịch Ban Chấp hành Hiệp hội làng nghề thêu ren Văm Lâm, trung bình cứ 100 lượt khách đến với Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thì chỉ có khoảng 2 lượt khách đi du lịch làng nghề. Hiện nay, chỉ có một số Công ty lữ hành quốc tế đưa làng nghề Văn Lâm trở thành một điểm đến trong hành trình của du khách nhưng số lượng các chương trình này cũng không nhiều và chủ yếu là khách nước ngoài, đến từ Pháp, Canađa, Trung Quốc... Số lượng du khách Việt Nam biết và đến tham quan làng nghề còn hạn chế.
Số lượng khách tham gia vào hoạt động du lịch làng nghề theo đúng nghĩa (tham quan làng nghề, tìm hiểu quá trình sản xuất hàng thêu ren) chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, mỗi năm chỉ có khoảng trên dưới 10.000 lượt người (khoảng 2%) và có tới 85% là khách quốc tế. Đa số những vị khách này lựa chọn việc lưu trú tại các khách sạn xung quanh bến thuyền Tam Cốc hoặc các nhà nghỉ homestay để tiện cho việc trải nghiệm...
Số lượng khách nội địa tham gia vào loại hình du lịch làng nghề tại làng thêu ren Văn Lâm chỉ chiếm khoảng 15% tổng số khách đến làng nghề, trong đó đa phần là đối tượng học sinh, sinh viên và những du khách thích tham quan, tìm hiểu hoặc đang nghiên cứu về các lĩnh vực văn hóa.
Nắm bắt thực tế này ông Vũ Thành Luân, Chủ tịch Ban Chấp hành làng nghề thêu ren Văn Lâm đã hoàn thành xây dựng mô hình du lịch Homstay tại gia đình. Quy mô 10 phòng nghỉ chủ yếu phục vụ du khách đi du lịch và muốn tham quan trải nghiệm công việc thêu ren Văn Lâm. Tại đây khách sẽ được cung cấp các nguyên liệu phục vụ cho công đoạn thêu và có thợ hướng dẫn thêu, sau khi hoàn thành sản phẩm du khách được mang về làm kỷ niệm…Đây là mô hình du lịch làng nghề Homstay đầu tiên của làng nghề thêu ren Văn Lâm.
Để lưu giữ làng nghề truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch, chính quyền địa phương cũng như người dân Văn Lâm và một số doanh nghiệp trên địa bàn đã có sự thay đổi nhận thức nhằm khôi phục lại nghề thêu truyền thống, đặc biệt là thêu mầu.
Tiêu biểu trong số đó là Doanh nghiệp Minh Trang. Chị Vũ Thị Hồng Yến, chủ doanh nghiệp cho biết: Sau khi thị trường xuất khẩu giảm sút, doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh, chú trọng đến thị trường nội địa, tạo ra những sản phẩm, mẫu mã đa dạng, các sản phẩm dễ ứng dụng như khăn trải bàn, túi xách, ví, quần áo, tranh thêu về phong cảnh Ninh Bình… từ đó tạo thương hiệu cho du lịch Ninh Bình và góp phần giữ lửa cho làng nghề, đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng và du khách tại các điểm du lịch. Đây được xem là một hướng đi đúng không chỉ của doanh nghiệp mà còn phù hợp với định hướng của tỉnh về phát triển du lịch gắn với làng nghề.
Theo thống kê của Sở Công thương, năm 2011 ở Văn Lâm có 548 trên tổng số 996 hộ gia đình tham gia sản xuất thêu ren, trong đó có 8 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng thêu, thêu pha rua, ren và hàng thêu đính cườm. Năm 2017, còn 200/1.013 hộ gia đình sản xuất thêu ren (chiếm 19%), với 200/2.500 lao động (chiếm 8%), thu nhập bình quân 3.500.000 đồng/người/tháng.
Hình thức các công ty hay các doanh nghiệp kinh doanh hàng thêu ren mới xuất hiện ở Văn Lâm với gần 10 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đứng ra làm chủ thầu thuê công nhân làm việc trong các xưởng hoặc thu mua hàng do các hộ gia đình và các xưởng khác sản xuất ra. Một số doanh nghiệp lớn ở Văn Lâm là: Công ty TNHH Thêu ren Mặt Trời Xanh; Tam Cốc, Mỹ Hương, Minh Trang, An Lộc… Hiện nay du khách đến tham quan tại các xưởng thêu của các doanh nghiệp lớn trong làng là chính, việc tìm hiểu và tham quan tại các hộ gia đình chưa phổ biến.
Để hỗ trợ du lịch làng nghề Văn Lâm, UBND tỉnh Ninh Bình đã có quy hoạch phát triển làng nghề Văn Lâm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở rộng sản xuất, đưa Văn Lâm trở thành một làng nghề có tiềm năng vươn xa, sản phẩm của làng nghề sẽ có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, theo đó mô hình du lịch làng nghề cũng sẽ phát triển, góp phần làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế - công nghiệp - dịch vụ, bảo đảm cho làng nghề tiếp tục tăng về số lượng, quy mô, sản xuất ổn định, hiệu quả bền vững.
Nguyễn Thơm