Phóng viên: Ông có thể đánh giá vai trò của Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh những năm qua như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Trường: Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 351/QĐ-UBND năm 1999 của UBND tỉnh. Đến nay, qua 5 kỳ Đại hội, Hội Khuyến học Ninh Bình không ngừng phát triển.
Tại nhiệm kỳ I (năm 2000), toàn tỉnh mới có 1.104 chi hội khuyến học với 8.380 hội viên, đạt tỷ lệ 9% dân số. Đến cuối nhiệm kỳ IV (năm 2019), toàn tỉnh có 8 Hội khuyến học cấp huyện, 145 Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn, 3 chi Hội trường THPT trực thuộc cấp huyện.
Chi hội Khuyến học trực thuộc Hội Khuyến học cơ sở gồm 2.192 chi hội, trong đó chi hội khu dân cư là 1.738, chi hội các trường Mầm non, Tiểu học, THCS là 454, có 2.543 Ban Khuyến học, trong đó Ban khuyến học dòng họ là 2.169, Ban khuyến học cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang là 263, Ban khuyến học khác là 111.
Tổng số hội viên toàn tỉnh là 308.260 hội viên, chiếm 31,8% dân số toàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành lập mới được 25 chi hội khuyến học trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, 7 Ban khuyến học trong cơ quan, đơn vị; phát triển mới 4.149 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh là 312.409, chiếm 32% dân số.
Với tổ chức Hội ngày càng rộng khắp, vững mạnh, số hội viên ngày càng phát triển, Hội Khuyến học có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động các tổ chức, các lực lượng xã hội và công dân tham gia thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài. Tổ chức các hình thức giáo dục cho mọi người thông qua hệ thống giáo dục không chính quy, tạo điều kiện và cơ hội để người dân được học tập suốt đời.
Khuyến khích người lao động có sáng kiến đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quê hương, đất nước. Hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, thưởng cho học sinh giỏi, học sinh có thành tích cao trong học tập và tu dưỡng… góp phần đắc lực vào phong trào xây dựng tỉnh Ninh Bình từng bước trở thành xã hội học tập.
Phóng viên: Những năm qua, Ninh Bình được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh. Ông có thể đánh giá khái quát kết quả đạt được trong năm 2019?
Ông Nguyễn Mạnh Trường: Những năm qua, Hội Khuyến học các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm đã tổ chức phát thưởng cho học sinh giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; trao học bổng, tặng quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền hàng chục tỷ đồng. Từ đó đã cổ vũ, động viên học sinh, sinh viên cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện, đồng thời tạo điều kiện để các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn thêm điều kiện thuận lợi hơn, tiếp tục đến trường.
Đặc biệt, với nhiệm vụ được Nhà nước giao, Hội Khuyến học các cấp đã tích cực tham gia khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tự học, học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Sau 5 năm triển khai thực hiện đại trà Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 215.769 gia đình được công nhận là gia đình học tập (GĐHT), đạt 77,6%; có 2.026 dòng họ được công nhận là dòng họ học tập (DHHT), đạt 75%; có 1.508 cộng đồng (thôn, xóm, phố) được công nhận là cộng đồng học tập (CĐHT), đạt 87%; có 707 đơn vị (thuộc cấp xã quản lý) được công nhận là đơn vị học tập (ĐVHT), đạt 97,9%. Kết quả này đều vượt các chỉ tiêu do Chính phủ đề ra đến năm 2020.
Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã suy tôn 21.190 gia đình, 1.120 dòng họ, 1.025 cộng đồng, 582 đơn vị học tập tiêu biểu được biểu dương; trong đó có 2.758 gia đình, 895 dòng họ, 916 cộng đồng, 327 đơn vị học tập tiêu biểu được các cấp khen thưởng.
Tại hội nghị tổng kết do Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh chủ trì tổ chức, đã khen thưởng 40 mô hình học tập tiêu biểu cấp tỉnh và 16 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó Hội Khuyến học các cấp còn phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục thực hiện có hiệu quả Thông tư 44 của Bộ GD-ĐT về xây dựng cộng đồng học tập cấp xã. Đến hết năm 2019, có 145/145 xã đều đạt tiêu chí là cộng đồng học tập cấp xã, với tổng số điểm từ 70 điểm trở lên. Phối hợp, tăng cường hướng dẫn, quản lý tổ chức hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng. Đẩy mạnh phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong các nhà trường…
Phóng viên: Để phong trào khuyến học khuyến tài phát triển vững chắc, trở thành phong trào của toàn dân, thời gian tới, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh tập trung vào các hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Trường: Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường củng cố, phát triển nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội và hội viên, nhất là vận động thành lập Ban khuyến học trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang…
Phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các kế hoạch, chỉ thị, quyết định, kết luận về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh phong trào thi đua "Mùa xuân khuyến học", "Tháng tám khuyến học", tích cực vận động xây dựng, phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài để phát thưởng và trao học bổng cho học sinh, sinh viên.
Tiếp tục triển khai các mô hình học tập theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện thí điểm xây dựng "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" kiểu mẫu theo tinh thần Công văn số 317/UBND-VP6 ngày 15/5/2020 của UBND tỉnh.
Thực hiện tiêu chí "Công dân học tập" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Phối hợp với Ngành GD&ĐT tham mưu, hướng dẫn tổ chức xây dựng "Đơn vị học tập" cấp tỉnh, cấp huyện theo Thông tư số 22/2020/TT-BGD&ĐT, ngày 06/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục thực hiện Thông tư 44, ngày 12/12/2014 của Bộ GD&ĐT về xây dựng "Cộng đồng học tập cấp xã".
Phóng viên: Xin cảm ơn ông
Mỹ Hạnh (Thực hiện)