Anh Vũ Văn Thể, xã Văn Phương đến phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Trường Trung cấp nghề Nho Quan từ khá sớm. Hồi hộp lướt tìm những thông tin của nhà tuyển dụng, anh Thể chia sẻ, tôi tốt nghiệp ngành sửa chữa ô tô, Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng. Mới ra trường, tôi đã thử sức tại một công ty ở Hà Nội. Tuy nhiên, với kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy, tôi muốn tìm một cơ hội việc làm tại quê hương cho gần gia đình. Được thông tin về phiên giao dịch việc làm, tôi đến đây từ sớm để tìm hiểu. Nếu không được tuyển dụng ngay tại phiên giao dịch thì tôi vẫn hy vọng sẽ được phỏng vấn, trò chuyện với các nhà tuyển dụng để nắm bắt nhu cầu, yêu cầu công việc, từ đó có kế hoạch học tập để hoàn thiện.
Còn chị Bùi Thị Vui, xã Lạc Vân là một công nhân may mặc nhiều năm trong Sài Gòn. Gần nửa năm qua, chị Vui nghỉ việc để về quê tìm việc theo ý muốn của gia đình. "Theo thông tin mà tôi nhận được từ Ban tổ chức, trong phiên giao dịch việc làm này cũng có nhiều công ty may mặc đăng ký tuyển dụng. Tôi hoàn toàn tự tin vào tay nghề, kinh nghiệm của bản thân sau hơn 10 năm làm việc ở môi trường khá chuyên nghiệp. Tôi hy vọng sẽ tìm được một việc làm ở gần nhà, có mức thu nhập tương xứng với năng lực và được tham gia đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm theo quy định của Nhà nước"- chị Vui cho biết.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Phiên giao dịch việc làm lưu động không chỉ thu hút lao động tại chỗ mà nhiều lao động ở vùng sâu, vùng xa như Cúc Phương, Kỳ Phú, Thạch Bình… cũng tìm đến. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng trên 500 lượt lao động đến tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch và có 29 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng trực tiếp và ủy quyền tuyển dụng, với trên 4.000 vị trí tuyển dụng, gần 2.000 chỉ tiêu xuất khẩu lao động và trên 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Một số doanh nghiệp có chỉ tiêu tuyển dụng lớn như Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam; Công ty Đầu tư thương mại Lam Giang; Công ty TNHH giầy ADORA Việt Nam; Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ Tràng An (sân Golf Trang An); Công ty TNHH DAEKWANG… Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh xác định đây cũng là cơ hội để thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn cho những đối tượng là người lao động bị mất việc làm đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu làm việc nhanh chóng quay lại thị trường lao động; tư vấn về việc làm, học nghề, các chính sách liên quan đến quan hệ lao động. Đặc biệt, thông qua phiên giao dịch việc làm, Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền Đề án số 12/ĐA-UBND ngày 20/6/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về xuất khẩu lao động, phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác tạo nguồn lao động đi xuất khẩu lao động trên địa bàn.
Để chuẩn bị cho phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Nho Quan, trước đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có sự chuẩn bị công phu, chặt chẽ từ việc di chuyển trang thiết bị vận hành Sàn giao dịch việc làm xuống địa phương, phân công cán bộ liên hệ gửi thư mời, hướng dẫn các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề tham gia phiên giao dịch đảm bảo số lượng trên 15 đơn vị đăng ký tham gia. Tổ chức thông tin tuyên truyền (trên Đài truyền thanh các xã của huyện Nho Quan) về mục đích, ý nghĩa, thời gian, địa điểm tổ chức phiên giao dịch đến người lao động… nhờ đó, thông tin về phiên giao dịch việc làm lưu động đã được chuyển tải tới đông đảo nhân dân, người lao động các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…. Từ thành công của phiên giao dịch việc làm lưu động này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang tích cực xây dựng kế hoạch để tiếp tục tổ chức một phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Kim Sơn trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức được 6 phiên giao dịch định kỳ cho trên 5.300 lượt lao động, thu hút 96 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp. Thông qua tư vấn, giới thiệu, đã có 518 người được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, đạt 52% kế hoạch năm. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bài, ảnh: Đào Hằng