P.V: Xin đồng chí cho biết những đối tượng nào được tham gia bảo hiểm thất nghiệp?
Đồng chí Lâm Xuân Phương: Trên cơ sở Luật Bảo hiểm xã hội, ngày 12-12-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định 127/2008/NĐ-CP; ngày 21-1-2009 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện số 04/2009/TT-BLĐTBXH, theo các văn bản trên, người lao động là công dân Việt Nam có giao kết các loại hợp đồng, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp Nhà nước trước ngày Nghị định 116/2003/NĐ-CP (10-10-2003) của Chính phủ hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ở các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có đủ 10 lao động trở lên đều được tham gia đóng BHTN.
P.V: Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động phải đóng phí bảo hiểm thất nghiệp bao nhiêu? Mức hưởng và điều kiện được hưởng như thế nào?
Đồng chí Lâm Xuân Phương: Mức đóng BHTN bằng 3% tiền lương, trong đó, người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1%. Để được hưởng chế độ BHTN, người lao động phải hội đủ 3 điều kiện: Phải đóng BHTN đủ từ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Phải trực tiếp đăng ký với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi đang làm việc trong thời hạn 7 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày mất việc làm. Sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.
Vì đây là chính sách mới triển khai thu phí vào đầu năm 2009, nên với quy định này thì tối thiểu phải đến ngày 1-1-2010, những lao động bị thất nghiệp có đóng BHTN mới bắt đầu được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chế độ được hưởng bao gồm: Hàng tháng được hưởng mức bằng 60% mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm. Thời gian hưởng này tùy thuộc vào thời gian làm việc có đóng BHTN. Hưởng 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN. Hưởng 6 tháng, nếu có đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đến dưới 140 tháng đóng BHTN. Hưởng 12 tháng nếu có đủ 140 tháng đóng BHTN trở lên. Trong khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ BHYT để hưởng chế độ BHYT. Người lao động nếu có nhu cầu học nghề được cơ quan BHXH hỗ trợ học một nghề thông qua các cơ sở, trung tâm dạy nghề; đồng thời được trung tâm giới thiệu việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
P.V: Những đối tượng nào không phải tham gia BHTN thưa đồng chí?
Đồng chí Lâm Xuân Phương: Đó là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh Cán bộ - công chức; đại biểu Quốc hội, đại biểu chuyên trách HĐND các cấp; người giữ các chức vụ trong cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, UBND các cấp, Tòa án nhân dân và Viện KSND được Quốc hội hoặc HĐNDcác cấp bầu ra, cử ra theo nhiệm kỳ; người được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước; thành viên Hội đồng Quản trị doanh nghiệp; những người thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoạt động của tổ chức đó; cán bộ chuyên trách công tác Đảng, công đoàn, thanh niên trong các doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp; xã viên hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương, tiền công; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và viên chức trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.
P.V: Với chức năng quản lý Nhà nước, Sở lao động, Thương binh và Xã hội đã và đang triển khai những hoạt động thiết thực nào nhằm đưa chính sách BHTN sớm đi vào cuộc sống?
Đồng chí Lâm Xuân Phương: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan như: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh... triển khai kế hoạch thực hiện chính sách BHTN.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, công tác rà soát các đối tượng tham gia BHTN trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai tới các đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác BHTN nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ làm tốt nhiệm vụ, chức trách của mình.
Mục tiêu của chính sách BHTN là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất thu nhập do thất nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho họ cơ hội tìm kiếm việc làm mới để ổn định cuộc sống. Mặt khác, tính tích cực của BHTN là mang tính dự phòng, chia sẻ rủi ro giữa những người lao động đang làm việc với những người bị mất việc.
Đây là chính sách mới, có tác động trực tiếp tới người lao động, người sử dụng lao động. Vì vậy, để chính sách BHTN sớm đi vào cuộc sống rất cần sự quan tâm hợp tác của các ngành, các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp và bản thân mỗi người lao động.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đức Nghĩa (Thực hiện)