Với tiềm năng văn hóa và thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhưng hiện nay du lịch Nho Quan vẫn dừng ở mức độ khiêm tốn, chưa tạo ra bước đột phá để góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Vấn đề đặt ra hiện nay là Nho Quan cần sớm có quy hoạch chi tiết, xây dựng cho mình hướng đi riêng, trong đó chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Mảnh đất giàu tiềm năng
Theo thống kê, người Mường ở Nho Quan chiếm khoảng 17% dân số toàn huyện, sống tập trung ở các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và rải rác ở các xã khác như Quảng Lạc, Thạch Bình, Xích Thổ, Quỳnh Lưu...
Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nho Quan cho biết: Trên địa bàn huyện Nho Quan hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như: văn hóa cồng chiêng, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa của bà con dân tộc Mường. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường luôn được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm, thực hiện. Để các giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một theo thời gian, UBND huyện Nho Quan đã xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường, trong đó chú trọng đến công tác phục dựng lại nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và tạo không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Mường.
Để những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa Mường không bị mai một theo thời gian, huyện chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm giúp đồng bào Mường hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Cùng với những bản sắc văn hóa độc đáo, thiên nhiên cũng ban tặng cho Nho Quan nhiều khu, điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương; Hang động Vân Trình; Khu du lịch hang Bụt; Khu du lịch tâm linh Phủ Đồi Ngang... Đặc biệt là Vườn quốc gia Cúc Phương, điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, với khu bảo tồn động, thực vật quý hiếm và những di tích văn hóa được xác định có từ thời sơ kì đồ đá mới. Đó là những tiềm năng to lớn, thế mạnh để Nho Quan phát triển du lịch.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 07/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch, đến nay du lịch Nho Quan đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch từng bước được nâng cấp. Hiện toàn huyện có 29 cơ sở lưu trú với 304 buồng.
Các khu, điểm du lịch cũng được đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hơn để phục vụ du khách như: Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Cúc Phương đã đầu tư hoàn thành cơ bản một số hạng mục chính như khu Resort, khu biệt thự cuối tuần, các khu kỹ thuật... và đã đưa vào phục vụ, đón tiếp khách; trung bình đạt 91 phòng nghỉ/ngày, doanh thu ước tính mỗi năm trên 6 tỷ đồng. Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, xây dựng các khu nghỉ gia đình, khu bể bơi ngoài trời, khu Spa, khu trung tâm huấn luyện…Vườn quốc gia Cúc Phương với các hạng mục công trình đã xây dựng xong, đang đi vào hoạt động và được đầu tư xây dựng thêm 4 phòng nghỉ và bổ sung các trang thiết bị khác. Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương hiện đã xây dựng 6 khu biệt thự, 6 nhà sàn và hệ thống công trình phụ trợ xung quanh hồ; xây dựng cơ bản xong phần thô sân tập Golf và đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện sân tập Golf và các hạng mục công trình khác.
Bên cạnh những kết quả trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất du lịch, huyện Nho Quan đã triển khai nhiều hoạt động để phát triển du lịch như: Hàng năm tổ chức các đoàn đại biểu của huyện đi tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm về du lịch tại các tỉnh phía Bắc; xây dựng chợ, điểm bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tại Khu tắm ngâm, Khu nghỉ dưỡng Thăng Long và quảng bá sản phẩm làng nghề Sào Lâm (Văn Phú), làng nghề đồ gốm mỹ nghệ Gia Thủy; hoàn thiện 2 đề án bảo tồn và khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể Hát văn Phủ Đồi Ngang, Văn hóa Cồng Chiêng xã Kỳ Phú, Đề án tổng thể và chi tiết về khai thác, phát triển tiềm năng du lịch huyện Nho Quan; tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch; các lớp kỹ năng về làng nghề thủ công truyền thống; mây tre đan (Văn Phú), nghề mộc Quỳnh Phong (Sơn Hà), đồ mỹ nghệ gốm (Gia Thủy), các lớp dạy hát chèo, hát dân ca ở các câu lạc bộ, các tổ đội văn nghệ trong huyện; hoàn thành lắp đặt biển chỉ dẫn vào các khu di tích lịch sử, văn hóa phục vụ khách tham quan và các biển quảng bá tiềm năng du lịch huyện...
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng du lịch của huyện Nho Quan. Để du lịch thực sự tạo bước đột phá và phát triển bền vững, Nho Quan rất cần có quy hoạch chi tiết, trong đó xây dựng lộ trình để khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên phục vụ cho phát triển du lịch một cách bền vững.
Thay đổi nhận thức về ngành kinh tế du lịch
Khu du lịch hồ Đồng Chương (Nho Quan).
Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Nho Quan hội tụ đủ các yếu tố để trở thành một khu du lịch hấp dẫn của tỉnh. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch bền vững, Nho Quan cần sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể và chi tiết về phát triển du lịch. Có lộ trình xây dựng và khai thác theo đúng quy hoạch để không ảnh hưởng đến môi trường và các ngành kinh tế khác. Có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp có đủ năng lực và tài chính hoạt động chuyên nghiệp về du lịch để cùng với huyện thực hiện các dự án về du lịch. Chính quyền địa phương cũng cần có kế hoạch bảo tồn các cảnh quan, văn hóa. Đặc biệt là khôi phục các giá trị văn hóa bản địa, nhất là văn hóa Mường và các sản vật địa phương để phục vụ du khách.
Nho Quan đã xây dựng một số giải pháp trước mắt cần làm ngay để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác du lịch để mọi người dân có trách nhiệm tham gia xây dựng và phát triển du lịch. Phát triển du lịch trên cơ sở chủ yếu là phát huy thế mạnh của địa bàn vùng núi, bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp du lịch với giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, cần nâng cấp, hoàn chỉnh các khu, tuyến du lịch trọng điểm như: Dự án tuyến hồ Yên Quang - Đình Mống Lá, tuyến hồ Thường Sung với khu du lịch sinh thái Cúc Phương. Đầu tư xây dựng hoàn thiện Bảo tàng cách mạng Quỳnh Lưu; nâng cấp phủ Đồi Ngang, Quèn Thạch quy hoạch phục vụ khách tâm linh...
Tiếp đó là đầu tư phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh cơ sở vật chất kỹ thuật của các điểm du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch; tập trung vào nâng cấp các tuyến đường giao thông, phương tiện vận chuyển khách du lịch; đầu tư nâng cấp cơ sở dịch vụ phục vụ cho việc ăn nghỉ, vui chơi giải trí, mua sắm, đi lại của du khách. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực làm công tác phục vụ đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng của ngành du lịch. Tập trung nghiên cứu và ban hành một số chế độ ưu đãi đầu tư để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch theo phương thức Nhà nước - doanh nghiệp - hộ gia đình và nhân dân cùng đầu tư xây dựng. Khuyến khích nghiên cứu, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, chú trọng các sản phẩm: gốm, mộc, đá mỹ nghệ... Có kế hoạch phục hồi và phát triển những phong tục tập quán, các lễ hội văn hóa dân gian như: lễ hội Cồng chiêng, bắn nỏ, ném còn, hát đúm, hát ru... Phục hồi lại các món ăn địa phương nổi tiếng: thịt dê, thịt lợn mường, ốc núi, rượu men lá... Phát triển mạnh các vùng chuyên canh rau sạch, các trang trại chăn nuôi con đặc sản phục vụ du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, huyện cần khai thác thế mạnh vùng rừng núi để phát triển cây thuốc nam chữa bệnh. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường và vệ sinh môi trường, nhất là những nơi gần điểm du lịch. Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm trong hoạt động du lịch, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, các hành vi sai trái. Tăng cường phát triển thị trường du lịch, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách; tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong phát triển du lịch…
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm - Thế Minh