Khá lý thú với dự án dự thi "sử dụng củ nghệ vàng để chế tạo que thử phát hiện hàn the trong thực phẩm" đạt giải ba tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm nay, chúng tôi đã tìm đến gặp nhóm tác giả của đề tài này là em Nguyễn Thị Hương Giang và Hoàng Phương Ly, học sinh lớp 8B, trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình). Chia sẻ về ý tưởng để thực hiện dự án dự thi, 2 em cho biết: Các bà, các mẹ hàng ngày đi chợ mua thực phẩm luôn lo lắng vì tình trạng mất an toàn thực phẩm, nhất là việc những thực phẩm chín như: giò, chả có chứa hàn the làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...Do đó, khi học các môn học như Sinh học, Hóa học...cả hai luôn tâm niệm phải làm một cái gì đó có ý nghĩa nhằm bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi các em chia sẻ ý tưởng với cô giáo Chu Thị Thùy Trang, giáo viên Sinh-Hóa, được cô tán đồng và giúp đỡ để thực hiện đề tài. Dựa trên những kiến thức được học, với sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Thùy Trang, sự quan tâm của nhà trường, Giang và Ly bắt tay vào thực hiện đề tài với nguyên liệu dễ tìm, rẻ tiền như: nghệ vàng tươi, tăm bông, dụng cụ thí nghiệm gồm: chày, cối, cốc thủy tinh, muôi lọc, dung dịch cồn 90 độ .
Để biết thực phẩm có hàn the hay không, chỉ cần cho que tăm bông vào bề mặt thực phẩm. Trong vòng 30 giây, nếu que thử chuyển sang màu vàng, màu nâu hoặc nâu đỏ, thực phẩm đó chắc chắn chứa hàn the. Nếu không có hàn the, đầu tăm bông không đổi màu. Ưu điểm của phương pháp này là dễ sử dụng, chi phí rẻ với một hộp 20 que thử chỉ mất 30.000 đồng. Đây là đề tài ý nghĩa, có tác dụng thiết thực trong đời sống cần được ngành y tế quan tâm triển khai trong thực tiễn, góp phần thanh, kiểm tra hiệu quả các thực phẩm, giảm chi phí cho mỗi text kiểm tra nhanh các mẫu thực phẩm của cơ quan chuyên ngành.
Từ năm học 2013- 2014, ngay từ cuộc thi Khoa học kỹ thuật lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút 64 dự án dự thi, gồm 14/17 lĩnh vực do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định với 110 học sinh bậc THCS và THPT trong toàn tỉnh tham gia. Tuy là lần đầu tiên tham gia, nhưng nhiều dự án đã thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu của các thầy, cô giáo hướng dẫn và các em học sinh trong việc đầu tư trí tuệ, công sức, kinh phí để hoàn thiện các dự án. Nhiều nhà trường đã quan tâm cử giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ học sinh nghiên cứu cũng như xây dựng gian trưng bày dự án đa dạng, đẹp mắt, đảm bảo tính khoa học và tính sư phạm theo đúng Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT ngày 2- 11- 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành "Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT". Ngay từ khâu chấm giải, ban tổ chức cuộc thi đã đánh giá cao việc nhiều dự án dự thi thể hiện sự đầu tư công phu, có nhiều sáng tạo, bài bản và có ý nghĩa cả về lí luận và thực tiễn. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều sản phẩm dự thi cấp tỉnh năm 2014 có tính ứng dụng cao vào đời sống thực tiễn như: dự án "Thiết kế, chế tạo lò ấp, sấy đa năng", "Công viên xanh sử dụng năng lượng sạch", "Máy phun thuốc đa năng tự động", "Hệ thống tưới cây tự động điều khiển từ xa", "Quản lý thư viện trường học"… Khi lựa chọn các sản phẩm xuất sắc tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, dù là lần đầu tiên Ninh Bình tham gia dự thi, nhưng đã có 4/6 dự án đạt giải, trong đó có 1 giải nhất lĩnh vực, giải ba toàn cuộc và 3 giải khuyến khích. Kết quả từ cuộc thi lần đầu tiên tổ chức đã giúp ngành Giáo dục - Đào tạo chủ động được nhiều giải pháp thiết thực, thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu khoa học trong các nhà trường phổ thông, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có thể ứng dụng trong thực tiễn.
Đến thời điểm này, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã được tổ chức thành công với 77 dự án dự thi, trong đó có 25 dự án thuộc khối các trường THCS và 19 dự án thuộc khối THPT, tăng 13 dự án so với năm trước, kể cả số học sinh dự thi cũng tăng với 116 học sinh, 78 giáo viên tham gia hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Kết quả này được đánh giá là do nhiều nhà trường đã có nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc thi nên có sự chỉ đạo, quan tâm sát sao, có sự động viên, khích lệ giáo viên và học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều dự án dự thi đã thể hiện sự đầu tư công phu, có nhiều sáng tạo, bài bản và có ý nghĩa cả về lí luận và thực tiễn. Từ các sản phẩm dự thi, ban tổ chức đã tiến hành thẩm định và chấm giải theo nội dung: chấm trên cơ sở báo cáo tóm tắt của dự án và phỏng vấn trực tiếp tác giả sản phẩm. Từ cuộc thi lần này, đã xuất hiện nhiều dự án tiêu biểu như: thiết kế, chế tạo máy lăn sơn điều khiển từ xa của tác giả Hoàng Minh Khoa (trường THPT Kim Sơn A); Chế tạo rô bốt cứu hộ trong các vụ hỏa hoạn của nhóm tác giả Ngô Đức Thắng và Phạm Thành Trung (THPT Nguyễn Huệ); Thuyền vớt rác trên sông của nhóm tác giả Đinh Ngọc Cương và Đỗ Mạnh Quyền (THPT Trần Hưng Đạo); Mô hình trồng cây xanh tiết kiệm diện tích của nhóm tác giả Vũ Hùng Phong và Trương Thúy Hiền (trường THCS Ninh Vân- Hoa Lư); Xà lan thu gom rác của nhóm tác giả Đinh Văn Nguyên và Lê Thái Hà Châu (Trường THCS Lý Tự Trọng) … Từ các dự án tiêu biểu, đạt giải cao tại cuộc thi cấp tỉnh, ban tổ chức đã lựa chọn được 6 dự án tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc sẽ diễn ra trong tháng 3- 2015 tại thành phố Bắc Ninh. Từ kết quả cuộc thi cấp toàn quốc năm học trước, các dự án dự thi của học sinh Ninh Bình hoàn toàn tự tin tại "sân chơi" khoa học kỹ thuật ở quy mô quốc gia, góp phần nhân lên phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh bậc THCS và THPT.
Bài, ảnh: Bùi Diệu