Chị Đào Thị Thúy, ở xã Gia Phương (huyện Gia Viễn) là công nhân của Công ty TNHH Great Global International (Khu công nghiệp Gián Khẩu) từ nhiều năm nay. Nếu ở thời điểm này những năm trước, chị Thúy và nhiều lao động khác hăng say tăng ca để có thêm thu nhập, lo toan một cái Tết đầm ấm, đầy đủ cho gia đình nhưng năm nay, chị Thúy lại thấp thỏm nỗi lo phải nghỉ việc vì doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng.
Ông Đinh Quốc Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Great Global International cho biết: Từ tháng 6/2022, theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do ảnh hưởng bởi hậu COVID-19, số lượng hàng may mặc tồn kho chiếm tới 40%. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp may mặc trong nước. Nếu như những năm trước, cứ 6 tháng, Công ty ký đơn hàng 1 lần, đủ để người lao động làm việc trong 6 tháng, thậm chí là dài hơi hơn thì từ vài tháng trở lại đây, việc ký đơn hàng rất nhỏ giọt, chỉ đủ để cầm cự, duy trì việc làm và giữ chân người lao động trong khoảng thời gian ngắn. Theo tính toán, phải hết tháng 2/2023, tình trạng này mới có thể được cải thiện. Hiện nay, mức lương khi chưa tăng ca của người lao động tại Công ty từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này, người lao động khá chật vật.
Trước khó khăn chung, Công đoàn Công ty TNHH Great Global International đã tuyên truyền để người lao động hiểu, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đồng thời, Công đoàn cũng tích cực tham mưu với Ban giám đốc duy trì các chế độ thưởng Tết cho người lao động như mọi năm, duy trì chương trình tặng quà, bốc thăm trúng thưởng… để phần nào chia sẻ khó khăn với người lao động. Đây cũng là hoạt động thiết thực để tri ân, khuyến khích người lao động tiếp tục gắn bó, sát cánh cùng doanh nghiệp đi qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh, thị trấn Yên Thịnh (huyện Yên Mô) hiện có trên 300 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương. Trong vài năm qua, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Riêng 2 tháng (8-9/2022) vừa qua, Công ty gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu để sản xuất. Tuy nhiên, thay vì tạm dừng sản xuất chờ nguyên liệu, Công ty đã năng động tìm kiếm đơn hàng nội địa. Nhờ đó, vẫn duy trì được việc làm cho người lao động.
Ông Vũ Văn Điều, Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh cho biết: Về phía doanh nghiệp, việc cắt giảm nhân sự là chuyện "cực chẳng đã". Thực tế thì không doanh nghiệp nào muốn cắt giảm lao động vì những khó khăn, ngưng trệ trong sản xuất, kinh doanh hiện nay chỉ là tình huống trước mắt. Tới đây, khi tình trạng này được cải thiện, doanh nghiệp có đơn hàng lớn, lúc ấy mới xoay sở tìm lao động thì không kịp trở tay. Vì vậy, dẫu có đang thiếu đơn hàng, doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ chân người lao động và sẵn sàng cho các đơn hàng mới.
Theo số liệu từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, tính đến ngày 7/11/2022, toàn tỉnh có 11/295 doanh nghiệp (chiếm 4%) báo cáo phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động, với tổng số 9.229 lao động. Trong đó, có 4 doanh nghiệp trong các KCN và 7 doanh nghiệp ngoài các KCN. Cụ thể, có 3.340/9.229 lao động phải cắt giảm giờ làm; 2.919/9.229 lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó số lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ là 642 người... Những doanh nghiệp phải cắt, giảm giờ làm tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông.
Nguyên nhân của việc cắt, giảm giờ làm là bởi hiện tại tình hình kinh tế trong khu vực và thế giới có nhiều biến động, một số doanh nghiệp không nhập được nguyên, vật liệu nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì đơn hàng đến hết năm 2022, chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023. Cá biệt, một số doanh nghiệp không xuất được hàng vì giá thấp nên cho toàn bộ người lao động nghỉ việc như Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lam Giang; Công ty TNHH MCNEX VINA từ đầu năm đến nay đã chấm dứt hợp đồng với 2.930 lao động do ít đơn hàng...
Ông Phùng Minh Chung, Trưởng Ban Chính sáchPháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: Mặc dù khó khăn về đơn hàng song đa số các doanh nghiệp đều nỗ lực duy trì việc làm, giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp đã thực hiện phương án cho người lao động nghỉ phép năm, nghỉ luân phiên, nghỉ không lương hoặc trả lương ngừng việc. Có doanh nghiệp thực hiện duy trì việc làm cho người lao động 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng... Tuy nhiên, một số lao động tại doanh nghiệp đã chủ động đi tìm việc làm khác, doanh nghiệp đã giải quyết các chế độ BHXH, chi trả tiền lương cho người lao động theo đúng quy định.
Trước thực tế này, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn nắm tình hình việc làm, tình hình công nhân lao động tại các doanh nghiệp trực thuộc quản lý. Từ đó, tuyên truyền để công nhân chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cũng tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại, thương lượng, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở... Đồng thời, phối hợp với người sử dụng lao động quan tâm bố trí để người lao động luân phiên làm việc, trả lương đúng quy định và đóng bảo hiểm đầy đủ.
Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh cũng đã tích cực phối hợp, hỗ trợ người lao động chủ động tìm kiếm việc làm thông qua việc giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác trên địa bàn, đăng thông tin tuyển dụng trên website, Facebook, Zalo của Công đoàn Ninh Bình; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày hội việc làm tại sàn giao dịch hoặc các phiên lưu động, giúp người lao động mất việc nhanh chóng tìm được việc làm mới. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở theo dõi tình hình đơn hàng, giảm giờ làm, cắt giảm lao động, nợ lương, nợ BHXH tại các doanh nghiệp... để báo cáo về công đoàn cấp trên, kịp thời phối hợp giải quyết khi có vấn đề phát sinh về quan hệ lao động.
Đào Hằng