Cũng giống như nhiều nông dân khác ở xã Văn Phương (Nho Quan), gia đình ông Trịnh Văn Hải, thôn Bồng Lai được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Điều khác biệt duy nhất là nguồn vốn này lại được xuất phát từ chính những đóng góp ít ỏi của ông và những hộ nông dân khác ở địa phương (với mức 5.000 đồng/người/tháng) thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân xã vận động và quản lý.
Với 6 triệu đồng được vay, ông Hải băn khoăn không biết đầu tư thế nào cho hiệu quả, càng lo lắng hơn vì đây là những đồng tiền được chắt chiu bởi những người có hoàn cảnh chẳng khá hơn ông là mấy. Tuy nhiên, theo quy chế hoạt động của Quỹ, sau khi trao vốn, cán bộ Hội sẽ trực tiếp đồng hành cùng đối tượng được hỗ trợ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, một mặt để giám sát việc sử dụng vốn, mặt khác để hỗ trợ hội viên các kiến thức khoa học kỹ thuật... Ông Hải được tư vấn và được tạo điều kiện đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá sấu ở Kim Sơn. Theo tính toán, một con cá sấu 1 năm tuổi có chiều dài từ 1m đến 1,2 m, hiện bán được gần 2 triệu đồng. Trừ các chi phí con giống, thức ăn, chuồng trại và các khoản khác, người nuôi lãi trung bình gần 500 nghìn đồng/con. Nếu nuôi đến 2 năm tuổi mới xuất chuồng, thì lãi ròng thu được 650.000 đồng/con. Hiện nay, cá sấu của gia đình ông con to nặng khoảng 17 kg, nhỏ khoảng 13 kg. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông còn thu nhập 30 triệu đồng từ nuôi bò và chăn nuôi lợn. Gia đình ông Hải cơ bản đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân.
Những mô hình xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân như ở Văn Phương đã và đang được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Tính đến ngày 15-11-2011, Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh tăng trưởng được 1.176 triệu đồng, đạt 168,4% kế hoạch năm, đưa tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý lên 9259 triệu đồng, cho 3.577 hộ vay, giải quyết việc làm cho trên 7 nghìn lao động, thu nhập tương đối ổn định.
Thực tế cho thấy, để xây dựng thành công hình thức huy động vốn này, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, trước hết là vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban điều hành Quỹ các cấp và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiệp vụ quản lý Quỹ để đảm bảo công tác điều hành theo đúng quy định của pháp luật.
Việc quản lý Quỹ ngày càng đi vào nề nếp và có nhiều tiến bộ, đặc biệt là hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán, các báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính từ tỉnh xuống cơ sở được thực hiện thống nhất. Chính vì vậy nguồn vốn của Quỹ được bảo toàn, chất lượng tín dụng được đảm bảo, giảm bớt những sai phạm và ngăn chặn được biểu hiện tiêu cực. 100% các đơn vị được vay đều trả gốc khi đến hạn thu hồi, không có trường hợp trả chậm và nợ quá hạn. Đối với một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, Tỉnh hội tiếp tục hỗ trợ một phần lãi suất (chỉ thu phí 0,5%/tháng) như dự án nuôi dê sinh sản tại xã Kỳ Phú, dự án trồng nấm ở Quảng Lạc, nuôi ếch thương phẩm ở Thượng Hòa (Nho Quan)...
Để vốn vay được sử dụng hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị chọn lựa những mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, những sản phẩm của dự án dễ tiêu thụ, giá cả ổn định và có xu hướng phát triển tốt; tập trung hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, có lao động nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất, kinh doanh. Vốn vay được tập trung đầu tư vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, làm thủ công mỹ nghệ và kinh doanh dịch vụ. Do có sự phối hợp chặt chẽ giữa giao vốn với tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề và lồng ghép với các nguồn vốn khác nên nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo.
Duy Hiền