Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ngày 27/11/2007, Hội nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin huyện Yên Khánh được thành lập. Đến nay, toàn huyện có 855 hội viên sinh hoạt ở 20 cơ sở hội. Bằng sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Yên Khánh đã tập trung làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc đa cam, là chỗ dựa vững chắc của nạn nhân da cam trên địa bàn. Ông Nguyễn Học Khuyến, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Yên Khánh cho biết: Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp Hội. Trong thời gian qua, Hội đã tích cực triển khai nhiều hình thức huy động các nguồn lực trong xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.
Hội thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình, hoàn cảnh của hội viên, nạn nhân, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam và gia đình chính sách. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức lễ kỷ niệm, trực tiếp vận động, gửi thư kêu gọi...
Qua 4 đợt vận động (từ năm 2012 đến năm 2016), Hội NNCĐDC/dioxin huyện Yên Khánh đã quyên góp được 240 triệu 534 nghìn đồng xây dựng Quỹ vì NNCĐDC cấp huyện. Bên cạnh đó, Huyện hội còn hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng quỹ ở xã, thị trấn được trên 517 triệu đồng.
Từ nguồn quỹ này, 5 năm qua, Hội đã hỗ trợ cho 12 gia đình nạn nhân sửa chữa, làm nhà mới; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 16.621 lượt nạn nhân; hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi cho 50 hộ; cấp học bổng, khuyến học cho con cháu nạn nhân... qua đó giúp họ vơi đi nỗi đau, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Với sự chung tay của cả xã hội, việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân da cam trên địa bàn huyện Yên Khánh ngày càng được quan tâm và đạt kết quả tốt hơn. Điều đáng nói là mặc dù chịu nhiều đau đớn cả về thể xác và tinh thần, song nhiều hội viên, NNCĐDC luôn nỗ lực vượt lên nỗi đau để chăm lo cho cuộc sống, trở thành những tấm gương về nghị lực, đức hy sinh.
Tiêu biểu như Bà Tạ Thị Chuyên, sinh năm 1955, hội viên xã Khánh Thủy bao năm nay đã kìm nén nỗi đau, một mình nuôi dưỡng, chăm sóc 2 con bị di chứng chất độc da cam, không tự chủ trong sinh hoạt.
Trên trận tuyến chiến thắng bệnh tật, đói nghèo có hội viên Nguyễn Thế Đê, sinh năm 1950 ở xóm 10C, xã Khánh Nhạc. Năm 1971, ông Đê lên đường nhập ngũ thuộc Trung đoàn 263, sư 367, Quân chủng phòng không không quân.
Trong cuộc đời quân nhân, Ông Đê từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và chiến dịch Hồ Chí Minh, đến năm 1979 ông xuất ngũ trở về địa phương và xây dựng gia đình. Giữa lúc kinh tế gia đình quá khó khăn, ông còn phải gồng mình chống chọi với bệnh tật, với những vết thương khắp cơ thể và bị nhiễm chất độc da cam. Song với nghị lực phi thường của người lính, ông Đê mạnh dạn nhận lại diện tích thùng đào, thùng đấu hoang hóa của xã để cải tạo, đắp bờ, thửa để xây dựng mô hình kinh tế VAC.
Hiện nay, gia đình ông có 5 mẫu ao chuyên thả các loại cá truyền thống, mỗi năm thu hơn 3 tấn cá thịt, ngoài ra còn nuôi hơn 10 lợn nái ngoại và trên 100 lợn thịt..., thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm. Từ hai bàn tay trắng, ông Đê vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, là tấm gương cho mọi người trong xã học tập, noi theo.
Không chỉ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, trong phong trào xây dựng NTM, nhiều cán bộ, hội viên, gia đình nạn nhân đã gương mẫu, tích cực góp tiền, ngày công, hiến đất để chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông, nhà văn hóa... trị giá hàng tỷ đồng, góp phần cùng địa phương thực hiện các tiêu chí về đích NTM.
Ông Nguyễn Học Khuyến cũng cho biết thêm: Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội, thời gian tới, Hội tiếp tục thực hiện tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và tham gia đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Trong đó, Hội tích cực hưởng ứng xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của huyện, xây dựng quỹ vì nạn nhân chất độc da cam cấp huyện và cơ sở theo hướng dẫn của hội cấp trên và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; tranh thủ mọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm, xã hội hóa các nguồn lực để chủ động chăm sóc, giúp đỡ những nạn nhân khó khăn đặc biệt.
Với phương châm: đổi mới- hướng về cơ sở- hướng về nạn nhân chất độc da cam, Hội tập trung nắm chắc tình hình nạn nhân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể quan tâm, thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình vượt khó, vươn lên hòa nhập cộng đồng, hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương; xây dựng tổ chức hội phát triển vững mạnh, toàn diện...
Bài, ảnh: Thùy Phương