Nho Quan là một huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều nơi, nhiều gia đình còn nghèo, trong đó có những gia đình là hội viên Hội CCB. Trước thực tế đó, để giúp đỡ các hội viên CCB vươn lên trong cuộc sống, Hội CCB huyện Nho Quan đã phát động mạnh mẽ phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo và khuyến khích hội viên phát huy hiệu quả vốn vay NHCSXH. Huyện hội đã chỉ đạo các cơ sở hội nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trang trại do hội viên làm chủ để có hình thức giúp đỡ phù hợp. Những gia đình hội viên gặp khó khăn về vốn được Hội giúp đỡ với nhiều hình thức như: đứng ra tín chấp với ngân hàng vay vốn, xem xét cho vay từ nguồn quỹ hội, vận động hội viên có kinh tế khá cho vay không lãi… Những hội viên cần giúp đỡ về kỹ thuật, kiến thức làm ăn, Hội phối hợp với các ban, ngành tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Với cách làm trên, đến nay Hội đã có hàng chục hội viên là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình đã mua được máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Điển hình như gia đình hội viên cựu chiến binh Phạm Văn Kính, thôn Quỳnh Phong, xã Sơn Hà là một trong nhiều cựu chiến binh được Hội giúp đỡ. Hai vợ chồng ông Kính đều là bộ đội đã về hưu, sức khỏe yếu, các con đều đã trưởng thành và ra ở riêng nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm làm giàu. Năm 2010, được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Tiểu vùng đa canh của NHCSXH, vợ chồng ông đầu tư nuôi gà đồi. Nhờ chịu khó học hỏi từ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đàn gà của gia đình được chăm sóc chu đáo, phát triển tốt. Sau 1 năm, gia đình ông đã mở rộng quy mô đàn gà lên hơn 1 nghìn con. Ông Kính cho biết: Nuôi gà hiệu quả kinh tế khá cao, với 1 nghìn con gà có lứa gia đình thu lãi ngót trăm triệu. Tuy nhiên, những năm gần đây dịch bệnh xảy ra thường xuyên, ngành chăn nuôi chịu nhiều rủi ro nên năm 2012 ông chuyển hướng sang trồng nấm.
Hiện nay gia đình ông sở hữu hơn 1.000 m2 lán trại trồng nấm với đầy đủ các thiết bị sấy, hấp, phòng nuôi cấy trị giá hàng tỷ đồng. Hàng năm, cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn nấm các loại từ nấm rơm, sò, mỡ đến loại nấm cao cấp như linh chi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở sản xuất của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động là con em CCB, bà con trong thôn với mức thu nhập ổn định. Bản thân ông còn sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, giúp đỡ các hội viên CCB khác cùng phát triển kinh tế.
Ông Bùi Ngọc Hồng, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Nho Quan cho biết: Dựa trên lợi thế của từng nơi, các cấp Hội đã động viên hội viên đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế; vận động họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực hiện những mô hình sản xuất mới... Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện tăng cường mở các lớp chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản và trồng màu như: mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ cá ở Phú Lộc, mô hình trồng rau sạch ở Gia Thủy, nuôi gà đồi ở Cúc Phương…
Hiện nay, Hội đang quản lý 113 tổ vay vốn và tiết kiệm với tổng dư nợ đến hết tháng 8-2013 trên 39 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn gần 0,7%. Đã có 2.133/7.000 hội viên được tiếp cận với nguồn vốn này. Để tiếp tục chăm lo tốt đời sống hội viên, trong thời gian tới, Hội CCB huyện chủ động phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đa dạng hóa các mô hình sản xuất, nuôi trồng nhiều loại cây con trên 1 diện tích, trong đó chú trọng phát triển mô hình gia trại; phát triển kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp cho các hội viên. Duy trì, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ NHCSXH. Đồng thời tích cực vận động hội viên tham gia gửi tiết kiệm, để đến lúc đáo hạn sẽ có nguồn vốn trả nợ cho ngân hàng.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu