Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 849 trang trại, gia trại, chủ yếu là trang trại chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt và trang trại tổng hợp với tổng diện tích gần 2.600 ha. Tổng số vốn của các trang trại, gia trại này ước khoảng gần 800 tỷ đồng; giá trị sản lượng hàng hóa đạt 645 tỷ đồng, chiếm 8,2% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Mặc dù thời gian qua, kinh tế trang trại đã đóng góp không nhỏ vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng thực tế hiện nay đa phần các trang trại đều phát triển manh mún, tự phát, chưa hình thành được các khu tập trung theo hướng công nghiệp hóa. Nguyên nhân một phần là do việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm; thiếu vốn để đầu tư; chính sách phát triển kinh tế trang trại của Nhà nước còn thiếu, chưa đồng bộ…
Đề án "Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020" được kỳ vọng sẽ đưa kinh tế trang trại phát triển bền vững, giúp thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, góp phần tích cực trong việc thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Đề án chia làm 2 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2015 - 2017 phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 khu trang trại sản xuất với diện tích 5-10 ha trở lên, tổng giá trị sản xuất của các trang trại đạt 1 tỷ đồng/năm trở lên, có từ 3 trang trại có sản phẩm đăng ký thương hiệu mỗi năm, có 125 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Giai đoạn 2018-2020, phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 khu trang trại có diện tích từ 15-20 ha trở lên, mang lại tổng giá trị sản xuất 1,5 tỷ đồng; tỷ trọng sản xuất hàng hóa của các trang trại chiếm 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp…
Theo Đề án, dự kiến các chủ trang trại có thể được vay tối đa 500 triệu đồng/trang trại với thời gian vay tối đa là 5 năm, tùy từng loại hình trang trại và được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay. Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2015-2020 là gần 151 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp, chính sách thực hiện Đề án, trong đó tập trung vào các giải pháp về đầu tư, vốn vay, khoa học công nghệ và nhất là giải pháp về thị trường tiêu thụ.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao về những kết quả bước đầu trong quá trình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, đồng thời hoan nghênh sự nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn của các chủ trang trại luôn dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế, đã tích cực cùng ngành nông nghiệp tỉnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả.
Trước những ý kiến, kiến nghị, cũng như đề xuất tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNN cùng các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát lại một số chính sách nêu trong dự thảo Đề án về nguồn vốn, đất đai, cũng như phục vụ nhu cầu về sử dụng nguồn điện trong phát triển kinh tế trang trại... để dự thảo Đề án sát với thực tế hơn, sớm hoàn thiện để trình HĐND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2015.
Nguyễn Lựu-Đức Lam