"Lội ngược dòng"
"Ngày tôi nói sẽ trở về Ninh Bình để xin việc làm, bố mẹ tôi nổi giận. Ông bà dành dụm cho tôi đi học những mong tôi sẽ có thể bước ra khỏi lũy tre làng, làm rạng danh cho gia đình, dòng họ vì xưa nay trong nhà tôi vốn được coi là đứa học hành chăm chỉ, đầu óc sáng láng hơn cả…"- Vũ Anh Hải (ảnh trên) nhớ lại cách đây 4 năm khi anh mới tốt nghiệp Đại học công nghiệp Hà Nội. Giờ đây chàng kỹ sư trẻ sinh năm 1992 này đã trở thành một trong những kỹ sư hàng đầu của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu).
4 năm trước, cầm tấm bằng giỏi trong tay nhưng không ở lại Hà Nội với những cơ hội việc làm hấp dẫn, Vũ Văn Hải quyết định về Ninh Bình tìm việc, vì thế anh được coi như kẻ "lội ngược dòng". Nhưng chính những suy nghĩ "già hơn tuổi" của Hải đã thuyết phục được gia đình và khiến họ thêm phần tin tưởng, kỳ vọng vào cậu. Hải quả quyết: Tại sao phải cố bám trụ ở thành phố lớn khi nhà cửa chưa có lại thiếu vắng người thân. Về quê, việc làm không thiếu, lại luôn có gia đình bên cạnh, em tin mình sẽ thành công.
Để có thể quả quyết như vậy là bởi trước đó Hải đã tìm hiểu rất kỹ thông tin về việc làm ở Ninh Bình với rất nhiều cơ hội mở ra ở các khu công nghiệp, trong đó Công ty cổ phần sản xuất ô tô Thành Công là điểm đến đầu tiên mà Hải nghĩ tới. Và hơn cả những gì mà cậu sinh viên trẻ có thể mong đợi, Công ty đã nhận Hải vào làm việc với mức lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng nhưng quan trọng hơn cả là ngay trong 2 tháng đầu tiên Hải đã được các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng miễn phí, sau này cậu còn có nhiều dịp được sang nước ngoài để học hỏi. Khi Hải còn ngồi trên ghế nhà trường, điều đó dường như chỉ là niềm mơ ước...
Hải cho biết: Tôi thuộc đội ngũ kỹ sư người Ninh Bình đầu tiên về làm việc ở Thành Công, hiện nay đã có những thế hệ tiếp theo với các kỹ sư tuổi đời còn rất trẻ chỉ mới sinh năm 1995-1996 và đều quê Ninh Bình. Họ đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ mới và trở thành trụ cột của Công ty.
Một trong những công nghệ mới mà Hải nhắc đến chính là việc vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống rô bốt hàn trong dây chuyền sản xuất ô tô được đánh giá thuộc loại hiện đại bậc nhất ở Việt Nam hiện nay. Không giống với những nhà máy cơ khí vốn ồn ã tiếng búa, tiếng rèn và kim loại, ở đây là một không gian tĩnh lặng, yên ả. Thế nhưng, bước vào trong nhà máy mới thấy, hoạt động sản xuất, lắp ráp đang diễn ra hối hả, chỉ có điều gần như tất cả các công đoạn đều được robot đảm nhận. Do đã được lập trình nên những thao tác của robot chính xác, dứt khoát và gần như không có sai số. Thật tự hào khi biết rằng trước đây - thời điểm nhà máy mới đi vào hoạt động, chỉ có các chuyên gia nước ngoài mới có thể vận hành những công nghệ này. Còn bây giờ tất cả đều do các kỹ sư trẻ của Ninh Bình đảm nhiệm, trong đó Hải được coi là "đầu tầu" với kinh nghiệm, kiến thức và nỗ lực học hỏi không ngừng…
Máy vận chuyển xi măng rời - sáng kiến của kỹ sư Lê Văn Thường.
Nuôi hoài bão lớn
Không giống như Hải, ngay từ khi bước chân vào giảng đường Đại học, Lê Văn Thường - 1 sinh viên Bách khoa, chuyên ngành chế tạo máy đã nung nấu ý tưởng về quê khởi nghiệp chỉ vì… là con "độc đinh" trong nhà, nhưng đôi lúc cậu cũng cảm thấy hoang mang với lựa chọn của mình. Thường nói: Tuổi trẻ mà chị, ai chả có hoài bão lớn. Về quê, chỉ sợ không có đất dụng võ.
Vậy mà, sau 5 năm miệt mài đèn sách, Thường quyết định về Ninh Bình không phải bởi "là con độc đinh", cũng không còn nỗi lo sợ thiếu đất dụng võ mà chỉ vì thấy ngành cơ khí tỉnh nhà đang thiếu những kỹ sư trẻ. Lúc ấy hành trang mà Thường mang theo là lòng quyết tâm và những ý tưởng sáng tạo. Cậu bắt đầu công việc của mình ở Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình (Khu công nghiệp Khánh Phú) với mức lương chỉ có 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng điều đó dường như không quan trọng với một người trẻ đang có nhiều hoài bão lớn. Thường hiểu rằng với một công ty cũng đang ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, tiền là khó khăn hàng đầu. Bù lại, cậu hồ hởi, phấn khởi vì sự trân quý, tin tưởng của lãnh đạo công ty dành cho niềm đam mê nghiên cứu, cho những ý tưởng sáng tạo mới mẻ của mình. Thường miệt mài theo các khóa bồi dưỡng của chuyên gia nước ngoài do công ty mời về, rồi chẳng kể ngày đêm lăn lộn với nhà xưởng, với công nhân để có thêm kiến thức thực tiễn. Nhờ đó những nghiên cứu sau này của Thường vừa có tính chuyên môn cao, lại vừa có khả năng ứng dụng thực tiễn tốt.
Công trình đầu tiên giúp Thường chính thức góp mặt vào ngành cơ khí Ninh Bình và mang lại giá trị hàng tỷ đồng cho Công ty chính là sáng chế "Hệ thống thiết bị xuất bao xuống tàu sông" vào năm 2015, tức là phải sau 4 năm so với ngày cậu được nhận vào làm ở đây. Vậy mới thấy hết sự nỗ lực, kiên trì, bền bỉ của chàng kỹ sư trẻ cho hoài bão của mình.
Kể về nghiên cứu đầu tay này, Thường nói: Các bến cảng của tỉnh ta thường có quy mô nhỏ và được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị đã cũ và xuống cấp; hệ thống xuất bao xuống tàu sông ở các cảng có công nghệ cũ và công suất thấp (từ 200-250 tấn/ca), thường được đặt cố định, do đó việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa từ xe ô tô xuống tàu sông gặp nhiều khó khăn dẫn đến chi phí lớn, hiệu quả kinh doanh thấp. Trong khi đó, ngành công nghiệp tỉnh ta đang ngày càng phát triển với nhiều nhà máy xi măng, đạm, phân lân có các sản phẩm được đóng dạng bao bì phổ biến… Đó là lý do em quyết tâm nghiên cứu bằng được "Hệ thống thiết bị xuất bao xuống tàu sông". Hệ thống này được điều khiển hoàn toàn tự động, từ việc ra vào tàu, điều khiển tốc độ rải hàng xuống tàu, tốc độ vào thùng xe, đã làm giảm số lượng nhân công bốc xếp từ 9 người xuống 7 người, thu nhập công nhân vận hành, bốc xếp tăng từ 440 nghìn đồng/ca lên 1 triệu đồng/ca…
Nghiên cứu đầu tay của Thường sau đó đã đoạt giải đặc biệt Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với những đánh giá vượt trội về tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng. Nối tiếp thành công của "Hệ thống thiết bị xuất bao xuống tàu sông", Thường tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều công trình khác, trong đó phải kể đến "Máy vận chuyển xi măng rời" cũng mang giá trị tiền tỷ… Hiện nay với cương vị là Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty, Thường phải làm thêm công tác quản lý nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học vẫn được anh nuôi nấng, tiếp lửa cho đội ngũ hơn chục kỹ sư của phòng. Đây đều là con em quê hương Ninh Bình và còn rất trẻ.
Duy Hiền