Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã nghe Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Kết quả, với 462/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ, cơ bản giữ nguyên như nhiệm kỳ khóa trước.
Buổi chiều, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự kiến nhân sự, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách và bỏ phiếu kín bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Kết quả, đã có 485/489 đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành, bằng 98,18% tổng số đại biểu, Quốc hội khóa XIV đã bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011- 2016 Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được Ban kiểm phiếu công bố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước quốc kỳ, Quốc hội và nhân dân, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp 2013.
Cũng trong phiên họp buổi chiều, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó, các đại biểu tiến hành thảo luận ở Đoàn về nội dung này.
Bên cạnh việc tiến hành nội dung công tác nhân sự, trong ngày, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Trong phiên thảo luận, đã có 14 vị đại biểu Quốc hội phát biểu.
Về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành với tờ trình và dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 phải ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Đưa vào Chương trình các dự án luật, pháp lệnh nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp; thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.
Các đại biểu cũng đề nghị chỉ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định; thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, xác định rõ thứ tự ưu tiên của các dự án luật cần ban hành và quyết tâm tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng phải điều chỉnh Chương trình...
Mai Lan