Chiều 20/5, tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với đoàn doanh nghiệp phía Đông Nam Hàn Quốc do ông Lee Jang Hoon, Tổng Giám đốc Tổ hợp các khu công nghiệp phía Đông Nam Hàn Quốc làm trưởng đoàn. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban phát triển công nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh.
Ông Lee Jang Hoon, Tổng Giám đốc Tổ hợp các khu công nghiệp phía Đông Nam Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc có khoảng 1.000 khu công nghiệp, riêng phía Đông Nam Hàn Quốc có trên 600 khu công nghiệp.
Cũng tương tự như Ban quản lý các khu công nghiệp ở Việt Nam, Tổ hợp các khu công nghiệp Hàn Quốc có chức năng và nhiệm vụ là: Cung cấp hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp; Phát triển các khu công nghiệp, xây dựng mạng lưới hợp tác giữa doanh nghiệp-viện nghiên cứu-trường đại học; quản lý và vận hành có hiệu quả các khu công nghiệp; hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Đây là lần đầu tiên, Đoàn đến Việt Nam, trong thành phần có các công ty, nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô, cơ khí, công nghiệp phụ trợ... thuộc khu vực phía Đông Nam Hàn Quốc. Đoàn sang Việt Nam và đến thăm Ninh Bình nhằm tìm hiểu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, nhất là khi hai nước mới đây đã ký kết hiệp định thương mại. Đây là cơ hội để hàng hóa cũng như nhà đầu tư của 2 nước thâm nhập.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và mong muốn được hợp tác làm ăn. Sau chuyến đi này, ngài Lee Jang Hoon sẽ giới thiệu với các doanh nghiệp trong khu vực về Ninh Bình để họ tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư vào địa bàn.
Trao đổi với ông Lee Jang Hoon và Đoàn, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ninh Bình là tỉnh phía nam đồng bằng Bắc bộ, là cửa ngõ đi vào miền Trung và miền Nam. Ninh Bình có cả 3 vùng: Miền núi, đồng bằng và ven biển. Ninh Bình có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế văn hóa-xã hội.
Thiên nhiên và lịch sử để lại cho Ninh Bình những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng: Vườn Quốc gia Cúc Phương-Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam; Nhà thờ đá Phát Diệm với kiến trúc độc đáo; Quần thể danh thắng Tràng An mới được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Kinh tế Ninh Bình phát triển khá so với vùng đồng bằng sông Hồng với thế mạnh về phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng. Cùng với đó du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và Ninh Bình là 1 trong 3 vùng có thế mạnh về du lịch của các tỉnh phía Bắc.
Tỉnh đã có 3 khu công nghiệp được lấp đầy các dự án (trong đó có khu công nghiệp Gián Khẩu mà Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công đóng ở đây). Tỉnh mong muốn kêu gọi đầu tư vào hạ tầng các khu công nghiệp: Ven biển Kim Sơn, Phúc Sơn (TP Ninh Bình) và khu công nghiệp Tam Điệp. Ninh Bình có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận lợi; có hệ thống kho ngoại quan và cảng khô ICD. Hiện đã có 39 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào địa bàn và tỉnh mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phụ tùng ô tô.
Với hiệp định mới được ký kết giữa Việt Nam-Hàn Quốc, hy vọng có nhiều nhà đầu tư của Hàn Quốc đầu tư ở các lĩnh vực trên vào Ninh Bình. Hàn Quốc hiện là đối tác ưu tiên số 1 của Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng và thực tế đã chứng minh điều này, trong số 39 dự án FDI đầu tư ở Ninh Bình thì Hàn Quốc có 12 dự án. Các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh với các doanh nghiệp của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành luôn quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp của Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh.
Đinh Chúc