Tham gia đoàn có các đồng chí: Mai Văn Tuất, TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại tá Đinh Hoàng Dũng, TVTU, Giám đốc Công an tỉnh. Làm việc với đoàn có đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể 2 tỉnh.
Là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Lâm Đồng sản xuất đa dạng cây trồng cả về chủng loại và thời vụ để tăng thu nhập cho người dân cũng như thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Năm 2017, tổng diện tích gieo trồng đạt gần 374 nghìn ha, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác đạt 158 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp ước đạt gần 37 nghìn tỷ đồng.
Toàn tỉnh có gần 51 nghìn ha đất sản xuất ứng dụng công nghệ cao, với các cây trồng như: rau, hoa, cây đặc sản, chè, cà phê, lúa chất lượng cao, trong đó có 4.040 ha nhà kính; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 30% giá trị toàn ngành. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa và cá nước lạnh tiếp tục được chú trọng phát triển.
Trong những năm tiếp theo, Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại phù hợp với lợi thế từng vùng, từng loại sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc tại tỉnh Lâm Đồng.
Lãnh đạo 2 tỉnh Ninh Bình và Lâm Đồng đã cùng trao đổi về kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhất là việc liên kết, hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tạo động lực, giúp các cơ sở, doanh nghiệp, hộ sản xuất tăng nhanh khả năng tiêu thụ nông sản.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến đã khái quát điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, dân số, tình hình phát triển KT-XH của địa phương.
Theo đó, Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 8%, cơ cấu kinh tế chủ yếu là công nghiệp - xây dựng khoảng 44% và dịch vụ khoảng 43%, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 13%. Tuy chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng tỉnh xác định từng bước sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đưa công nghệ cao vào lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, với những con nuôi có thế mạnh, nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả trên cùng 1 diện tích canh tác.
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thực hiện các mô hình điểm, qua đó rút kinh nghiệm và từng bước nhân ra diện rộng. Qua chuyến thăm và làm việc, tỉnh Ninh Bình muốn tìm hiểu việc ứng dụng công nghệ cao, cũng như cách làm nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng để nghiên cứu, vận dụng vào thực tế địa phương…
Cũng tại buổi làm việc, 2 bên đã trao đổi về những chính sách của địa phương đối với đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế, công tác tôn giáo, tình hình cuộc sống của dân cư Ninh Bình đi xây dựng vùng kinh tế mới tại tỉnh Lâm Đồng./.
Quang Mạnh-Thế Minh