Cùng đi có đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo huyện Yên Mô.
Đồng chí Tạ Uyên sinh năm 1898 tại làng Côi Trì, xã Yên Mỹ (huyện Yên Mô). Năm 1925, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập và phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Cuối mùa thu năm 1927, tại Quỳnh Lưu (Nho Quan) tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của Ninh Bình đã được thành lập, sau đó tiếp tục phát triển sang Yên Mô, Gia Viễn, Gia Khánh. Thấy Tạ Uyên có tâm hồn yêu nước, tính tình khảng khái, yêu quý tự do, một số đồng chí đã giới thiệu đồng chí Tạ Uyên với tổ chức. Gia nhập tổ chức cách mạng này, được ánh sáng cách mạng soi đường, sẵn bầu nhiệt huyết sôi nổi của tuổi trẻ, đồng chí Tạ Uyên say mê hoạt động, không nề hà mọi gian nan, ngày đêm đi tuyên truyền, giác ngộ những anh em có lòng yêu nước và đưa họ vào tổ chức. Tháng 10 năm 1927, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Yên Mô ra đời tại làng Côi Trì, đồng chí Tạ Uyên được cử làm Bí thư. Hoạt động ở đâu, đồng chí Tạ Uyên cũng khơi sâu trong lòng người nỗi khổ cực của người dân mất nước, khêu gợi lòng yêu nước và kêu gọi quần chúng đoàn kết đấu tranh. Trong những năm đầu, đồng chí Tạ Uyên đã có ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào cách mạng của nhân dân Yên Mô. .Năm 1929, phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh. Để tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng và chào mừng cách mạng tháng Mười Nga, Đảng bộ tỉnh quyết định mở đợt tuyên truyền mạnh mẽ: cắm cờ Búa Liềm trên núi Thúy, rải truyền đơn, dán áp phích ở thị xã Ninh Bình, ở các thị trấn và nhiều nơi khác trong tỉnh. Sau đợt tuyên truyền này, thực dân Pháp ráo riết truy tìm và bố ráp nhiều nơi, ngày 19 - 11 - 1929, đồng chí Tạ Uyên bị bắt khi đang trên đường đi công tác, bị đưa về nhà lao Ninh Bình. Ngày 24 - 1 - 1930, thực dân Pháp cho mở phiên tòa xử "vụ án cộng sản đầu tiên" ở Ninh Bình, trong đó có đồng chí Tạ Uyên. Đồng chí bị kết án 15 năm tù khổ sai, đầy đi biệt xứ. Đồng chí Tạ Uyên cùng một số đồng chí khác bị đưa đầy đi Côn Đảo. Tại đây, tuy phải lao động khổ sai cực nhọc nhưng đồng chí Tạ Uyên vẫn tích cực tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Năm 1935, chi bộ nhà tù được lệnh tổ chức những cuộc vượt biển cho một số đồng chí, trong đó có đồng chí Tạ Uyên. Sau khi về được đất liền, đồng chí Tạ Uyên được Đảng phân công về hoạt động ở vùng Hậu Giang, sau đó về Bạc Liêu... Trong giai đoạn này, đồng chí Tạ Uyên còn được biết đến với cái tên thân mật là Châu Xương. Tháng 7 năm 1940, Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam kỳ được tổ chức tại xã Long Hưng (Mỹ Tho) để thông qua "Đề cương chuẩn bị khởi nghĩa" của Thường vụ xứ ủy. Cuối tháng 7 năm 1940, hội nghị Xứ ủy họp bầu bổ sung 9 ủy viên. Đồng chí Tạ Uyên được bầu làm Bí thư Xứ ủy, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Ngày 22 - 11 -1940, chỉ trước cuộc khởi nghĩa một hôm, đồng chí Tạ Uyên bị bắt tại Sài Gòn. Sau 18 ngày bị giam cầm và tra tấn, ngày 10 - 12 -1940, đồng chí Tạ Uyên đã hy sinh tại nhà giam lớn Sài Gòn. Trước đó, theo đúng kế hoạch của Xứ ủy, đêm 22 rạng ngày 23 - 11 - 1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã bùng nổ.
Tại nhà thờ đồng chí Tạ Uyên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo cùng đi đã thắp hương bày tỏ sự tôn kính trước tấm gương anh dũng, kiên trung, công lao đóng góp, hi sinh của người chiến sỹ cộng sản của quê hương Ninh Bình đối với cách mạng Việt Nam.
Ngọc Minh